Dấu tích đàn tế trời đất đặc biệt quan trọng đầu thời Lý
Đàn tế xuất lộ, trục tâm linh hoàn chỉnh
Theo các nhà khai quật khảo cổ học, lô E thuộc khu vực trung tâm (vùng lõi) của Hoàng Thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê. Di tích nằm cùng trục, cùng phương vị Bắc - Nam với kiến trúc bát giác ở phía Bắc, tạo thành một trục trung tâm trong tổng thể cụm kiến trúc đặc biệt thời Lý ở khu A-B-C-D-E, phía Tây điện Kính Thiên. Ngay sau khi di chỉ này phát lộ, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, đối sánh với các di tích đã nghiên cứu ở Thăng Long - Hà Nội như đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc… cùng các công trình tâm linh trong khu vực.
Bước đầu, các nhà khoa học thống nhất đề nghị tên gọi của di tích là “Di tích tế lễ trời đất của các Hoàng đế đầu thời Lý”. Đây là một trong những nơi tế lễ quan trọng bậc nhất của nhà nước quân chủ phương Đông. Phát hiện di tích tế lễ trời đất của Hoàng đế đầu thời Lý là phát hiện một di tích văn hóa tâm linh Việt Nam sớm nhất của kinh đô Thăng Long nói riêng, Việt Nam nói chung.
Về mặt cấu trúc, đàn tế trời đất Thăng Long đầu triều Lý có nét chung của các di tích tâm linh cùng loại của phương Đông, nhưng có nhiều nét độc đáo chỉ ở Việt Nam mới có. Do đó, di chỉ này thể hiện rõ bản sắc của văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh xã hội phương Đông thời Lý, Trung Quốc tự cho mình là Thiên triều và chỉ có Thiên triều mới có đàn tế trời. Vì vậy, nằm trong tổng thể Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, việc phát hiện di tích đàn tế trời đất đầu thời Lý phản ánh tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường cao của Đại Việt thời Lý.
Đề xuất bảo tồn nguyên trạng
Ngay sau khi xuất lộ, di tích này đã được xem như một bộ phận quan trọng trong cấu trúc tổng thể của Hoàng Thành Thăng Long thời Lý nói riêng, di sản thế giới Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long nói chung, cùng tổng thể khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.
Hiện các phương án đang được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ gồm: Trước mắt, cho phép bảo tồn nguyên trạng Di tích tế lễ trời đất của các Hoàng đế đầu thời Lý trong phạm vi diện tích tối thiểu khoảng 400m2 (không tính diện tích có thể khai quật thêm). Tiếp đó, chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu đề xuất phương án bảo tồn di tích. Để đảm bảo tiến độ chung của công trình Nhà Quốc hội mới, trong đó có hạng mục xây dựng garage ngầm, báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội nêu đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng Nhà Quốc hội mới nghiên cứu các giải pháp thi công đường hầm và garage đỗ xe ngầm Nhà Quốc hội sao cho bảo vệ tuyệt đối an toàn cho di tích. Hiện việc kè cừ sâu ngầm trong lòng đất, áp sát di tích là rất khó có thể bảo tồn nguyên trạng khu vực đàn tế phát lộ. Do đó, các giải pháp thi công cần được các bên chuyên môn và quản lý liên quan thẩm định. Mọi việc thi công nên được tiến hành ngoài vùng lõi và tuân thủ nghiêm sự hướng dẫn của Viện Khảo cổ học, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Cục Di sản Văn hóa… tránh tình trạng thi công như thời gian vừa qua đã xâm hại mạnh tính nguyên trạng của di tích.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện mở rộng diện tích khai quật nhằm xác định tổng thể di sản, tiến hành nghiên cứu đề xuất phương án bảo tồn nguyên trạng và phát huy giá trị tổng thể của di sản với 2 trục di tích tiêu biểu. Thứ nhất là trục Trung tâm: Cột Cờ - Đoan Môn - Kính Thiên - Bắc Môn, với điểm nhấn là điện Kính Thiên nơi thiết lễ Đại triều của các vương triều quân chủ Việt Nam. Thứ hai là trục di tích tâm linh: Đàn tế Trời - Kiến trúc Bát giác và các kiến trúc khác thời Lý.