Đề xuất điều chỉnh cơ cấu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cơ cấu lại các đơn vị giúp việc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Theo dự thảo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, gồm có: Ở Trung ương là Bảo hiểm xã hội Việt Nam; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bảo hiểm xã hội tỉnh) trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Bảo hiểm xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bảo hiểm xã hội huyện) trực thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Tổng Giám đốc và không quá 4 Phó Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc là người đứng đầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Các Phó Tổng Giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Giám đốc; được Tổng Giám đốc phân công chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc về nhiệm vụ được phân công. Khi Tổng Giám đốc vắng mặt, một Phó Tổng Giám đốc được Tổng Giám đốc ủy nhiệm lãnh đạo, điều hành hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Về cơ cấu tổ chức, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh còn 13 đơn vị chuyên môn với Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở Trung ương. Cụ thể, các đơn vị chuyên môn của cơ quan này gồm: 1. Vụ Tài chính - Kế toán; 2. Vụ Hợp tác quốc tế; 3. Vụ Thanh tra - Kiểm tra; 4. Vụ Thi đua - Khen thưởng; 5. Vụ Kế hoạch và Đầu tư; 6. Vụ Tổ chức cán bộ; 7. Vụ Pháp chế; 8. Vụ Quản lý đầu tư quỹ; 9. Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; 10. Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; 11. Ban Thu; 12. Ban Dược và Vật tư y tế; 13. Văn phòng (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Bên cạnh đó, có 8 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm: 1. Viện Khoa học bảo hiểm xã hội; 2. Trung tâm Truyền thông; 3. Trung tâm Công nghệ thông tin; 4. Trung tâm Lưu trữ; 5. Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến; 6. Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng; 7. Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội; 8. Tạp chí Bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Nghị định sẽ được lấy ý kiến đến hết ngày 5-10-2019.