Đánh thuế tiền gửi sẽ gây khó khăn gián tiếp cho nền kinh tế
Đề xuất của HoREA
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản đề xuất lên Chính phủ và các Bộ, ngành về việc đánh thuế thu nhập tiền lãi đối với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng nhằm chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, ở các nước khác không khuyến khích người dân gửi tiết kiệm mà yêu cầu người dân lập doanh nghiệp làm ăn để tạo thu nhập. Thay vì gửi ngân hàng lấy lãi, cần huy động toàn bộ nguồn lực làm giàu cho đất nước, cho gia đình, cá nhân. Nếu không đưa tiền vào sản xuất mà cứ gửi ở ngân hàng sẽ làm cho nền kinh tế càng khó khăn hơn.
Ông Châu cũng chỉ ra rằng, có những người mang cả trăm tỷ đồng đi gửi ngân hàng, mỗi năm thu về 10-15 tỷ đồng tiền lãi nhưng hoàn toàn không phải đóng một đồng thuế nào từ khoản lợi tức đầu tư này. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để đảm bảo bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, tức mọi thu nhập đều phải chịu thuế. Đề xuất như vậy nhằm huy động nguồn lực trong dân cho phát triển kinh tế. Thay vì họ có hàng chục tỉ đồng, hàng trăm tỉ đồng nằm trong ngân hàng, cần có chính sách đưa những khoản này vào sản xuất kinh doanh.
Không khả thi
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, hiện cơ quan này chưa nhận được đề xuất từ phía Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua theo dõi trên báo chí có thể thấy ý kiến từ phía chuyên gia kinh tế, chuyên gia thuế hầu hết không đồng tình. Đề xuất này hoàn toàn không hợp lý và thiếu thực tế trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Tiền gửi tiết kiệm là khoản tích lũy của người dân. Nếu khoản lãi mà bị đánh thuế sẽ gây khó khăn cho chính người gửi tiền, gián tiếp gây khó khăn cho nền kinh tế vì lượng tiền huy động qua ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.
Đại diện Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân - Tổng cục Thuế cũng có chung nhận định là đề xuất đánh thuế thu nhập đối với khoản lãi tiền gửi tiết kiệm là không khả thi. Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi không quy định khoản lãi tiền gửi tiết kiệm phải chịu thuế.
Ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay đề xuất này là chưa hợp lý. Hoạt động gửi tiền vào ngân hàng của người dân đã là một cách đầu tư rồi. Khoản tiền đó sẽ được ngân hàng phân bổ theo quy tắc kinh doanh để đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Bà Vương Kim Oanh – Giám đốc điều hành Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIBank) chi nhánh Hà Nội cho rằng: “Đề xuất này có thể gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động ngân hàng, làm ảnh hưởng tới nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Hiện nay tài sản của người dân thường không quy về một mối, mỗi người lại có thể có nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau, do đó để thu được thuế đối với khoản tiền gửi trên 500 triệu đồng là không khả thi. Để lách quy định này người gửi tiền hoàn toàn có thể tách làm nhiều sổ hay gửi tại nhiều ngân hàng hoặc gửi thấp hơn so với mức sẽ bị đánh thuế”.
“Hiện nay các kênh đầu tư khác cũng rất khó khăn, nếu đánh thuế tiền gửi tiết kiệm như vậy thì thời gian đầu các khoản tiền gửi sẽ sụt giảm. Nhưng khi tính toán hiệu quả đầu tư vào kênh khác cũng như không đầu tư được vào đâu thì lựa chọn gửi ngân hàng vẫn sẽ được ưu tiên”, bà Oanh phân tích.
Ông Nguyễn Xuân Cảnh (82 tuổi, cán bộ hưu trí): Nhiều người sẽ rút tiền nếu bị đánh thuế
Tiền tiết kiệm là khoản tiền người dân chưa có nhu cầu sử dụng cũng như không có nhu cầu đầu tư, gửi vào ngân hàng. Với nhiều người, tiết kiệm là khoản tiền dành dụm cả cuộc đời mong có chút lãi để có tiền chi tiêu hàng tháng bên cạnh khoản tiền lương. Trong khi giá cả không ngừng tăng thì khoản tiền lãi từ gửi tiết kiệm cũng đỡ được phần nào chi tiêu.
Nếu đề xuất này mà được thực hiện thì nhiều người sẽ rút tiền khỏi ngân hàng để mua vàng cất giữ cho đảm bảo. Tôi thấy hiện nay đã có quá nhiều các khoản thuế, phí đánh vào túi tiền của người dân. Đến cả tiền tiết kiệm cũng đề xuất đánh thuế thì không biết sắp tới sẽ còn những khoản nào sẽ lại được đề xuất.
Anh Đặng Tiến Đạt (34 tuổi, ở quận Thanh Xuân): Không phải ai cũng là nhà đầu tư
Khi đọc báo thấy đề xuất này được đưa ra tôi thấy ý kiến của người đề xuất rất thiếu thực tế. Không phải ai cũng là nhà đầu tư, khoản tiền tiết kiệm là tài sản của cá nhân, tôi không có nhu cầu hay không mong muốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán hay sản xuất, kinh doanh mà chỉ muốn giữ ở đó để khi có việc cần thì có thể sử dụng. Vì vậy không thể hướng tất cả người dân trở thành “nhà đầu tư” như mong muốn của ông chủ tịch hiệp hội.
Có gì đảm bảo khi đầu tư vào bất động sản hay lĩnh vực nào đó thì có thể làm ra lợi nhuận, giúp ích cho xã hội. Năm vừa rồi có thể thấy lượng doanh nghiệp phá sản là không nhỏ, các khoản đầu tư không có lãi mà những ông chủ doanh nghiệp thì điêu đứng.