- Mua – bán nhà đất có thể chịu thuế 20% trên tiền lãi
- Thuế chuyển nhượng bất động sản: Chuyên gia kiến nghị 'đánh' 20% trên chênh lệch mua - bán
- Đánh thuế theo thời gian sở hữu bất động sản, liệu có khả thi?
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất thuế suất thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của các nhân cư trú được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20% theo từng lần chuyển nhượng.
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
Trường hợp không xác định được giá mua và các chi phí liên quan đến chuyển nhượng bất động sản thì thuế TNCN được xác định bằng giá bán nhân với thuế suất như sau:
Đối với bất động sản có thời gian nắm giữ dưới 2 năm: 10%;
Đối với bất động sản có thời gian nắm giữ từ 2 năm đến dưới 5 năm: 6%;
Đối với bất động sản có thời gian nắm giữ từ 5 năm đến dưới 10 năm: 4%;
Đối với bất động sản có thời gian nắm giữ từ 10 năm trở lên và bất động sản có nguồn gốc từ nhận thừa kế: 2%
Thời gian nắm giữ bất động sản tính từ khi cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (từ ngày Luật Thuế TNCN thay thế có hiệu lực) đến thời điểm chuyển nhượng.
![]() |
Đề xuất đánh thuế mới được cho là sẽ phản ánh đúng bản chất của giao dịch kinh tế, đồng thời hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản |
Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản có mức thu thuế là 2% trên giá chuyển nhượng theo từng lần mua bán.
Lý giải cho đề xuất đánh thuế mới, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình thực hiện vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu quy định thu thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản để đảm bảo đúng theo bản chất giao dịch kinh tế.
Tiếp thu các ý kiến này, tại hồ sơ Dự thảo Luật Thuế TNCN (thay thế), Bộ Tài chính đang đưa ra thêm phương án thu thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản theo thuế suất 20% trên thu nhập.
Qua tính toán, so với mức thuế hiện đang áp dụng là 2% trên giá chuyển nhượng thì việc thu thuế 20% trên thu nhập sẽ điều tiết thuế đảm bảo ở mức tương đương.
Trong một số trường hợp, khi chênh lệch giữa giá bán và giá mua ít hơn, không phát sinh thu nhập hoặc bị lỗ, thì việc thu thuế 20% trên thu nhập thậm chí sẽ có lợi hơn cho cá nhân, điều tiết thu thuế đúng theo thu nhập thực tế của hoạt động giao dịch bất động sản.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, việc thu thuế TNCN theo phương pháp 20% trên thu nhập cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách khác liên quan đến đất đai, nhà ở cũng như độ sẵn sàng của cơ sở dữ liệu cũng như hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký, chuyển nhượng đất đai, bất động sản.
Qua đó, có thể tạo điều kiện cho cơ quan thuế có đủ thông tin và cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản để thu đúng tiền thuế phải nộp
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về việc tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản, tại hồ sơ dự thảo Luật Thuế TNCN (thay thế), Bộ Tài chính cũng đã có nội dung về đề xuất tỷ lệ thu thuế thu nhập cá nhân đối với bất động sản theo thời gian nắm giữ để hạn chế đầu cơ.
Thực tế từ tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một số quốc gia có sử dụng các công cụ thuế, trong đó có thuế TNCN để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ bất động sản trong nền kinh tế.
Trong đó, một số nước đã áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian nắm giữ bất động sản. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham khảo kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương đồng để có đề xuất phù hợp với Việt Nam.