Đề thi cho... người lớn

ANTĐ - Mấy năm gần đây, phải công nhận ngành giáo dục nước ta ngày càng bám sát cuộc sống. Kỳ thi trung học phổ thông vừa rồi ra đề về sự gian dối. Đề Văn khối C năm nay lại có câu nghị luận cực hay: “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu”.

- Hay nhưng mà cũng khó “nhằn” đấy! Bọn trẻ phải “vắt óc” ra phân tích, lý giải thế nào là kẻ cơ hội, thế nào là người chân chính. Rồi lại phải giải thích, tách bạch rành mạch giữa thành tích và thành tựu.

- Yên tâm đi! Giới trẻ bây giờ khôn ngoan, hiểu biết hơn thời chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường. Hơn thế, xã hội đầy rẫy kẻ cơ hội nôn nóng tạo ra thành tích và cả những người chân chính, tuy không phải đa số, vẫn kiên nhẫn lập nên thành tựu. Người thật, việc thật trong thực tiễn đời sống thiếu gì, tha hồ liên tưởng và vận dụng mà làm bài thoải mái.

- Tôi vẫn thú nhận là đề bài hay, giàu tính xã hội mang hơi thở “nóng hôi hổi” của cuộc sống, chứ không sáo mòn, sáo rỗng, viển vông, triết lý cao xa. Thế nhưng, nói thật lòng, bản thân người lớn như ông, như tôi, như chúng ta vẫn cứ nhầm lẫn, rất khó phân biệt, thậm chí đâu dám dũng cảm gọi tên, chỉ mặt kẻ cơ hội và người chân chính; đâu là thành tích, đâu là thành tựu. Nói gì giới trẻ.

- Nói có lý thật! Song bây giờ, nếu không dạy các cháu học làm người chân chính, người tử tế, để đến lúc thành “người lớn” thì làm sao còn uốn nắn lại được.

- Theo thiển ý của tôi, đề thi này lẽ ra nên để dành cho... người lớn, nhất là thi cán bộ, công chức. Với giới trẻ chỉ nên ra những đề thi thật gần gũi như tình yêu thương với cha mẹ, anh chị em; tình bạn trong trường lớp; sự chia sẻ, cảm thông trước những nỗi đau, mất mát và bất hạnh. Đạo lý, đạo đức trước hết phải bắt đầu từ trong gia đình, nhà trường rồi mới ra ngoài xã hội.