Để nhân loại cùng chiến thắng đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho dù Covid-19 hiện đã khiến hơn 33 triệu trường hợp nhiễm bệnh và gần 1 triệu người trên khắp thế giới đã tử vong vì dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm song Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn đưa ra cảnh báo đang lo lắng hơn nhiều khi cho rằng số người tử vong có thể lên đến hơn 2 triệu người nếu toàn cầu không phối hợp hành động để kiềm chế đại dịch.
WHO cảnh báo số người nhiễm và tử vong do dịch bệnh Covid-19 có thể gia tăng đáng lo ngại nếu thế giới không phối hợp để ngăn chặn hiệu quả

WHO cảnh báo số người nhiễm và tử vong do dịch bệnh Covid-19 có thể gia tăng đáng lo ngại nếu thế giới không phối hợp để ngăn chặn hiệu quả

Số ca tử vong cán mốc buồn - 1 triệu người

Tổ chức Y tế thế giới ngày 26-9 đưa ra cảnh báo mới nhất về đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona (Covid-19) gây ra, cho rằng số người tử vong do đại dịch Covid-19 có thể tăng gấp đôi hiện nay, lên 2 triệu người cho đến trước khi vaccine ngừa virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) được sử dụng rộng rãi. WHO thậm chí còn dự báo con số tử vong vì dịch bệnh Covid-19 còn còn cao hơn nữa nếu cộng đồng quốc tế không có hành động phối hợp hữu hiệu để kiềm chế đại dịch.

Ông Mike Ryan, Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh hiện vẫn chưa có nơi nào trên thế giới có thể an toàn trước sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Chuyên gia hàng đầu này của WHO cho rằng, những cuộc tụ tập đông người trong nhà là nguyên nhân khiến dịch bệnh lan rộng và nếu các quốc gia và vùng lãnh thổ không nỗ lực hết sức để đối phó với dịch Covid-19 thì kịch bản 2 triệu ca tử vong có thể sẽ xảy ra.

Những cảnh báo đáng lo ngại về đại dịch Covid-19 của WHO được đưa ra trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục lây lan trên khắp thế giới với tốc độ không kém gì những thời điểm được cho là đỉnh dịch. Trong đó, tính tới hết ngày 27-9, số người tử vong vì dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu đã lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu người trong tổng số hơn 33 triệu ca mắc bệnh tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Mỹ vẫn là vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với hơn 7,3 triệu người nhiễm bệnh và hơn 210 nghìn trường hợp tử vong. Hiện nước Mỹ mỗi ngày vẫn ghi nhận khoảng 50-60 nghìn người nhiễm mới và khoảng 1.000 người tử vong.

Dù là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, nhưng số người mắc mới cũng như số người tử vong ở Ấn Độ rất đáng lo ngại. Hiện quốc gia đông dân thứ hai thế giới này ghi nhận thêm khoảng 80-90.000 ca mắc Covid-19 mới ngày và số người tử vong trên 1.100 người. Số ca nhiễm bệnh tại Ấn Độ không chỉ tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào mà còn chưa có dấu hiệu đạt đỉnh. Tiếp đó, các vùng dịch lớn thứ 3 và thứ 4 thế giới là Brazil và Nga với lần lượt hơn 4,7 triệu và hơn 1,1 triệu người nhiễm; hơn 142 nghìn người và hơn 20 nghìn người tử vong. Châu Á đến nay cũng đã ghi nhận hơn 10 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 186 nghìn trường hợp tử vong.

Chỉ có thể chiến thắng đại dịch khi tất cả các quốc gia cùng chiến thắng

Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về đại dịch Covid-19, nhận định rằng, sự gia tăng của số ca mắc mới, nhất là ở châu Âu, một phần do hoạt động xét nghiệm được tiến hành tốt hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do thiếu sự phối hợp, thống nhất hành động ở nhiều quốc gia và nhất là cấp độ toàn cầu, cùng sự chủ quan, lơ là của chính giới và người dân ở nhiều nơi trên thế giới trong khi hiện chưa có vaccine ngừa Covid-19 và thuốc đặc trị căn bệnh truyền nhiễm này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson trong bài phát biểu ghi âm phát tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75 tại New York (Mỹ) ngày 26-9 đã thẳng thắn chỉ ra rằng, ý thức của cộng đồng quốc tế sau 9 tháng chiến đấu chống Covid-19 khi đại dịch này bùng phát từ tâm dịch Trung Quốc khá bị chia rẽ. Thủ tướng Anh cho rằng, dù dịch bệnh Covid-19 đã "đoàn kết loài người chưa từng thấy", nhưng "cuộc khủng hoảng này cũng là một lực lượng gây chia rẽ bất thường".

Người đứng đầu Chính phủ Anh cho rằng, thế giới không thể tiếp tục theo cách như hiện nay, trừ khi các nước cùng chung tay hành động chống lại “kẻ thù chung” là đại dịch Covid-19. Ông kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế sâu rộng hơn trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 cũng như ngăn ngừa các đại dịch khác trong tương lai, đồng thời khẳng định "tất cả mọi người sẽ thua cuộc" nếu các nước không chung tay đánh bại virus SARS-CoV-2.

Chung quan điểm với nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo quốc gia trên toàn cầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong thông điệp gửi tới Liên hợp quốc cũng đã nêu bật đại dịch Covid-19 là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất với thế giới. Đại dịch này chính là lời cảnh tỉnh sâu sắc, thúc giục toàn thế giới cùng cam kết và chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn.

Nhà lãnh đạo nước ta cũng nêu rõ, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực, quan trọng, thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Với tinh thần đoàn kết quốc tế và với nhận thức rằng thế giới chỉ có thể chiến thắng đại dịch khi tất cả các quốc gia cùng chiến thắng, nhà lãnh đạo nước ta khẳng định, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với nhiều nước, nhất là những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, tăng cường đóng góp cho các nỗ lực quốc tế liên quan để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19.