Nền kinh tế Eurozone đối mặt với nguy cơ đình trệ và suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Châu Âu hiện đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ hai, một lần nữa có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế khu vực này. Cụ thể, nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) giảm 11,8% trong quý II-2020, do bị tác động bởi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch Covid-19.
Châu Âu hiện đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ hai có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế

Châu Âu hiện đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ hai có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế

Giới chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ phục hồi nửa cuối năm 2020, song hiện cũng đang hoài nghi về dự báo này. Carsten Brzeski - chuyên gia kinh tế trưởng tại Tập đoàn Quốc tế Hà Lan (ING) phát biểu với Hãng tin CNBC cho biết, khả năng nền kinh tế Eurozone đối mặt suy thoái kép, một đợt suy giảm nữa trong quý II-2020 đã tăng đáng kể.

Đình trệ

Theo cuộc khảo sát đối với các nhà kinh tế do Hãng tin Reuters tiến hành mới đây, sự bùng phát trở lại các ca lây nhiễm Covid-19 là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế đang phục hồi của khu vực Eurozone. Hoạt động kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đình trệ trong tháng 9-2020 do sự bùng phát trở lại của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Theo Công ty IHS Markit, Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 9 giảm xuống còn 50,1 điểm, từ mức 51,9 điểm trong tháng 8.

Chỉ số này trong tháng 9 chỉ cao hơn chút ít so với mức 50 điểm cho thấy sự tăng trưởng. IHS Markit cho biết Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone tiếp tục dẫn đầu đà phục hồi, tuy rằng với tốc độ chậm hơn trước đó. Trong khi đó, Pháp đã chứng kiến hoat động kinh doanh xấu đi lần đầu tiên trong tháng thứ 4. Các nước còn lại trong Eurozone, trong đó có Tây Ban Nha và Italia cũng suy giảm nhanh hơn. Chưa kể việc cắt giảm nhân sự đang diễn ra trên khắp châu lục, dù với tốc độ chậm hơn.

Theo nhà phân tích thuộc Capital Economics - bà Jessica Hinds - các dữ liệu thống kê này cho thấy đà phục hồi đang chững lại, ít nhất là ngoài lĩnh vực sản xuất của Đức. Theo cuộc khảo sát mới đây đối với các nhà kinh tế do Hãng tin Reuters tiến hành, sự bùng phát trở lại các ca lây nhiễm Covid-19 là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế đang phục hồi của khu vực Eurozone.

Hiện nay, kinh tế Eurozone đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, khi chính sách hạn chế được nới lỏng và các doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Pháp, Tây Ban Nha cùng với các nước khác vẫn đang phải vật lộn với sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19. Thực tế này làm tăng khả năng chính sách hạn chế và đóng cửa có thể được gia hạn. Theo kết quả khảo sát, 90% các nhà kinh tế (37 trong số 41 người) được hỏi cho rằng sự gia tăng các ca mắc Covid-19 là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Eurozone trong năm tới. Bên cạnh đó, sự mạnh lên của đồng Euro và việc EU và Anh không đạt được thỏa thuận thương mại nào khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc vào cuối năm cũng là những nguy cơ mà khối này phải đối mặt.

Suy thoái

Cuộc khảo sát cũng đưa ra dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 8,1% trong quý IV-2020, mức tăng trưởng mạnh nhất được ghi nhận cho đến nay, sau khi giảm 11,8% trong quý II-2020. Dự báo này không thay đổi so với cuộc khảo sát hồi tháng 8. Đối với quý IV-2020, kinh tế Eurozone dự kiến tăng 2,5% so với quý trước.

Thực tế hiện nay nhiều Chính phủ thông báo các biện pháp phong tỏa mới hoặc hạn chế việc mở cửa trở lại nền kinh tế, giữa bối cảnh số ca lây nhiễm Covid-19 gia tăng. Carsten Brzeski - chuyên gia kinh tế trưởng tại ING, cho biết khả năng nền kinh tế Eurozone đối mặt suy thoái kép, và dự đoán khu vực này sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp phong tỏa nữa trong thời gian tới như tại Madrid (Tây Ban Nha) và Lyon (Pháp).

Đồng quan điểm này, Chris Williamson - nhà kinh tế trưởng tại IHS Markit cũng cho rằng nền kinh tế Eurozone đang có nguy cơ đối mặt suy thoái kép. Theo chuyên gia Williamson, các Chính phủ sẽ triển khai nhiều biện pháp hạn chế hơn trong quý IV-2020 và điều này thực sự sẽ làm suy giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế. Còn Cathal Kennedy - chuyên gia kinh tế châu Âu tại RBC cho rằng, các biện pháp mới sẽ một lần nữa tác động tới lĩnh vực dịch vụ và điều này sẽ khiến hoạt động kinh doanh chậm lại trong những tháng tới.

Cam kết

Trước đó, các Bộ trưởng Tài chính thuộc 19 nước Eurozone đã thảo luận cách ứng phó đối với cuộc khủng hoảng Covid-19. Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính để giúp các nền kinh tế sớm phục hồi sau khi hứng chịu những tác động chưa từng có do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra, đặc biệt nhất trí thúc đẩy các dự án bị đình trệ, trong đó có liên minh Ngân hàng EU.

Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup) Paschal Donohoe tuyên bố và khẳng định các bộ trưởng đã nhất trí về chính sách chung tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù không đưa ra cam kết thêm về số tiền đã đồng thuận để duy trì và thúc đẩy kinh tế, nhưng các bộ trưởng tài chính nêu rõ sẽ không sớm thực thi việc thắt chặt tài chính. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các Chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết chi hơn 3.700 tỷ Euro (khoảng 4.384 tỷ USD) để thực thi các biện pháp hỗ trợ kinh tế, đồng thời cho biết có thể bổ sung thêm 1.300 tỷ Euro.

EU báo động tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ ở châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra báo động về việc dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang trở nên tồi tệ hơn so với mức đỉnh hồi tháng 3 ở một số quốc gia thành viên, dù các nước áp dụng nhiều biện pháp hạn chế mạnh mẽ. Ủy viên Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm - bà Stella Kyriakides cảnh báo rằng ở một số quốc gia thành viên, tình hình hiện thậm chí còn tồi tệ hơn so với thời kỳ cao điểm vào tháng 3.

Bà Stella Kyriakides kêu gọi các biện pháp mới để ngăn chặn “làn sóng” thứ hai của dịch bệnh vốn đã khiến gần 1 triệu người tử vong trên toàn thế giới. Theo bà Stella Kyriakides, tuy tỷ lệ tử vong chưa lên đến mức như hồi đầu năm nay, nhưng các ca nhiễm mới lại một lần nữa tăng vọt ở nhiều khu vực trong EU.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã liệt kê Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Croatia, Hungary, Cộng hòa Czech và Malta là những quốc gia đặc biệt đáng lo ngại. ECDC cho biết 7 nước trên đã ghi nhận hoặc đang có xu hướng gia tăng các trường hợp nhập viện, các ca nặng và cả số trường hợp tử vong. Tại các quốc gia khác như Pháp và Anh, tỷ lệ lây nhiễm gia tăng chủ yếu ở những người trẻ tuổi, vốn là đối tượng ít có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các nước này cũng đang ghi nhận xu hướng đáng lo ngại khi ngày càng có thêm nhiều người già bị nhiễm bệnh.