Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Đề nghị giữ nguyên giám định pháp y thuộc công an cấp tỉnh

ANTĐ - Thảo luận về dự thảo Luật giám định tư pháp sáng nay (29-5), đa số ý kiến của các đại biểu đề nghị tiếp tục giữ giám định pháp y trực thuộc công an cấp tỉnh để đảm bảo tính ổn định cũng như hiệu quả trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm.

Về mô hình tổ chức giám định tư pháp về pháp y cấp tỉnh, theo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hiện còn hai loại ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh: Phương án 1 nhất trí với quy định của dự thảo Luật và Tờ trình của Chính phủ - riêng ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) sẽ không còn giám định viên pháp y thuộc phòng Kỹ thuật Hình sự công an cấp tỉnh, mà tập trung hoạt động này vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế. Ở phương án 2, đề nghị dự thảo Luật giữ quy định về giám định viên pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự, công an cấp tỉnh như Pháp lệnh hiện hành.

Đây là nội dung thu hút nhiều ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội. Theo đó, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, nên tiếp tục giữ giám định pháp y trực thuộc công an các tỉnh, thành phố vì nhiều năm qua, hoạt động giám định pháp y thuộc công an tỉnh đang phát huy hiệu quả, phục vụ kịp thời cho hoạt động tố tụng nên cần duy trì. Hơn nữa, tổ chức giám định pháp y y tế chưa có điều kiện về nguồn lực, thời gian sẽ khó có thể đảm đương toàn bộ nhiệm vụ. Vì vậy, nên giữ quy định giám định pháp y thuộc ngành công an như hiện nay.

Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đức Chung, Đại tá, Phó Giám đốc CATP Hà Nội đề nghị, cần tiếp tục theo phương án 2, đó là để giám định pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự, công an cấp tỉnh. Đại tá Nguyễn Đức Chung phân tích, hiện tại đội ngũ giám định pháp y của ngành y tế chưa đáp ứng được yêu cầu, phải nhiều năm nữa, ngành y tế mới có đội ngũ giám định pháp y đạt hiệu quả cao, trong khi đó, ngành công an đã có đội ngũ giám định có chuyên môn cao, hoạt động hiệu quả trong công cuộc phòng chống tội phạm.
Đề nghị giữ nguyên giám định pháp y thuộc công an cấp tỉnh ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Đức Chung, Đại tá, Phó Giám đốc CATP Hà Nội 
Đại biểu Phạm Văn Gòn (TP.HCM) cũng đề nghị rằng, nên tiếp tục để giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh như quy định hiện hành, vì bao năm qua đội ngũ giám định pháp y của ngành công an luôn làm nhiệm vụ một cách nhanh chóng, kịp thời, góp phần to lớn trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Đặc biệt, trong thời gian qua, có những vụ án chết người nghi liên quan đến chức trách của cán bộ y tế, thì giám định pháp y thuộc ngành công an sẽ đảm bảo được tính khách quan. Ông Gòn cũng cho rằng, bên cạnh viện giữ nguyên giám định pháp y thuộc ngành công an thì nhà nước nên tăng cường máy móc, trang thiết bị hiện đại hơn cho công tác giám định để góp phần phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Cùng ý kiến trên, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) nhận định rằng, trong bao năm qua, đội ngũ giám định viên pháp y thuộc công an cấp tỉnh đã đóng góp quan trọng trong điều tra xử lý các vụ việc, đảm bảo độ chính xác, khách quan và nhanh chóng. Hơn nữa, giám định pháp y của công an không những xác định nguyên nhân dẫn tới cái chết mà còn góp phần xác định cách thức gây án, hung khí để đưa ra được hướng điều tra… tạo thuận lợi trong quá trình phá án.

Đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai) cũng cho rằng, do tính chất quan trọng của giám định pháp y trong công tác xét xử, nên giám định pháp y thuộc ngành công an là hợp lý, vì đội ngũ cán bộ đều là sĩ quan, có bản lĩnh chính trị. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cũng phân tích rằng, trong các báo cáo giải trình của ngành y tế đều cho rằng, nguồn lực của ngành gặp nhiều khó khăn, nếu y tế nhận thêm nhiệm vụ này thì sẽ rất khó khăn. Bà Hải cũng đề nghị, giữ nguyên giám định pháp y thuộc công an cấp tỉnh, còn y tế nên tập trung mục đích chính là chăm sóc sức khỏe cho người dân. 

Bên cạnh những ý kiến trên, cũng có một số ý kiến cho rằng, nên quy về một mối như thuộc ngành y tế nhưng cần một lộ trình chuyển giao thích hợp nhưng không nhất thiết phải bỏ bộ phận giám định pháp y thuộc công an cấp tỉnh để có thể phát huy được ưu điểm của các bên.

Ngoài nội dung trên, nội dung về quyền của đương sự được tự mình trực tiếp yêu cầu thực hiện giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập cũng nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.

Theo đó, về quyền của đương sự được tự mình trực tiếp yêu cầu thực hiện giám định tư pháp, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị mở rộng quyền này đối với bị can, bị cáo, người bị hại trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, việc chứng minh hành vi phạm tội của bị can, bị cáo thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định đã được Bộ luật tố tụng hình sự quy định cụ thể, nên không cần thiết đặt ra quy định quyền yêu cầu giám định tư pháp (GĐTP) của các đối tượng này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Huỳnh Thế Kỳ phát biểu ý kiến

Đối với người bị hại, khi tham gia quan hệ tố tụng hình sự họ có đủ các quyền quy định tại Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự, riêng việc chứng minh vấn đề tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng như đã nêu trên, trường hợp vấn đề dân sự được giải quyết cùng vụ án hình sự, thì “trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”, người bị hại với tư cách là nguyên đơn dân sự vẫn có quyền yêu cầu GĐTP. Như vậy, việc bổ sung quyền trực tiếp yêu cầu GĐTP đối với người tham gia tố tụng với tư cách “người bị hại” là không cần thiết. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ quy định về quyền trực tiếp yêu cầu GĐTP như dự thảo Luật.

Về phạm vi hoạt động của các tổ chức GĐTP ngoài công lập, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi các tổ chức GĐTP ngoài công lập bao gồm cả 3 lĩnh vực cơ bản là pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự và các lĩnh vực khác như: giám định chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chưa nên quy định nội dung này vào dự thảo Luật.

Chiều nay, 29-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong thực trạng thời gian qua có hàng loạt vụ giết người dã man do tội phạm vị thành niên gây ra thì đây là một Luật hết sức thiết yếu cần sớm được ban hành.