- Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thị sát dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa
- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Điều chỉnh quy hoạch có lợi cho dân thì làm
- Bộ Công Thương thành lập Ban chỉ đạo xử lý các dự án kém hiệu quả
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh “phải xử lý kiên quyết, khẩn trương”, đồng thời khẳng định “Nhà nước không bỏ thêm tiền cho các dự án này”. Mỗi ngày trôi qua đồng nghĩa với việc những “di sản” này lại càng có nguy cơ bị “hóa bùn”.
Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ, việc xử lý các dự án này không thể chậm trễ, nên các bộ, ngành, đơn vị liên quan phải bám sát nhiệm vụ, sớm hoàn thiện các phương án xử lý để trình Thường trực Chính phủ, Thủ tướng quyết định, không để tiếp tục kéo dài tình trạng yếu kém, gây thiệt hại cho Nhà nước. Trước đó, phương án cho phá sản đối với các dự án không hiệu quả cũng đã được nhắc đến. Đây là việc làm dù đau xót nhưng cần thiết để tránh lún sâu thêm nữa vào những sai lầm.
Những chỉ đạo nêu trên được Phó Thủ tướng đưa ra trong buổi làm việc với Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý tồn tại, yếu kém tại một số doanh nghiệp ngành công thương. Được biết, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12-2016 tới cuối tháng 1-2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo cùng với các thành viên đã trực tiếp thị sát, nắm bắt tình hình tại một số dự án.
Giải pháp xử lý cũng được gợi mở từ những thực tế sau chuyến thị sát. Đó là yêu cầu Ban quản lý một số dự án khẩn trương tính toán sự cần thiết, chi phí bỏ ra so với lợi ích thu về để tái khởi động lại nhà máy đã phải ngừng hoạt động trong thời gian dài. Trên thực tế, một số nhà máy đã có chuyển biến tích cực, tái khởi động lại sản xuất sau thời gian dài đóng cửa. Đơn cử như Nhà máy đạm Ninh Bình đã vận hành trở lại từ đầu năm với 80% công suất, cắt giảm từ 25- 30% các chi phí vận hành, gần 100 lao động dư thừa...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương sớm hoàn thiện báo cáo, các phương án xử lý cả về cơ sở pháp lý, nội dung, so sánh chi phí và lợi ích từng phương án, đề xuất lựa chọn phương án, điều kiện và lộ trình thực hiện để Ban chỉ đạo báo cáo Chính phủ, báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 3-2017. Có thể nói, đây là những bước đi chặt chẽ, cần thiết để xử lý những sai lầm đắt giá.
Nói tới các dự án nghìn tỷ thua lỗ nêu trên, vấn đề trách nhiệm cũng phải được làm rõ. Các đại biểu Quốc hội từng cho rằng, khi phát hiện dự án có vấn đề thì phải xử lý nghiêm túc, có địa chỉ và quy trách nhiệm thì mới thuyết phục. Hơn nữa, phải có phân tích cụ thể, tìm ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến thua lỗ để từ đó khắc phục thất thoát, lãng phí đồng thời để tránh những sai lầm tái diễn.
Vấn đề được các đại biểu và dư luận nêu ra cũng được Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an xác định, làm rõ và xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân gây thua lỗ, thất thoát tài sản của Nhà nước. Trước đó, đã có những hồ sơ được chuyển sang Bộ Công an để điều tra dấu hiệu cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm trong lựa chọn địa điểm xây dựng, chỉ định thầu, ký kết các hợp đồng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.