Nghi lễ kỳ lạ trong các lễ hội (2)

Để “cửa ngỏ” cho việc bảo tồn

ANTĐ - Với sự biến chuyển không ngừng của đời sống văn hóa, thì một số hình thức sinh hoạt bị xem là bạo lực, hay “tháo khoán” trong các lễ hội có thể sẽ tiếp tay cho những hành vi “méo mó”, sai lệch của chính những người tham gia. 

Cần bảo tồn những hình thức sinh hoạt chính đáng trong lễ hội

Trần tục hay biến tướng?

Trở lại câu chuyện bạo lực trong các lễ hội, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng, khi chúng ta đang cố gắng phục dựng những nghi lễ, tín ngưỡng và lễ hội đình làng của người Việt thì vô tình đã phục dựng lại cả những hệ giá trị cổ xưa, kể cả những giá trị tín ngưỡng thời trung cổ, thậm chí là từ thời nguyên thủy mà biểu hiện của nó không chỉ có việc chém lợn. Bằng chứng là thời nay, không ít người vẫn đi lạy gốc cây, lạy hòn đá, một biểu hiện của tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”. Đó là chưa kể đến những lễ hội cho phép đả thương, đánh nhau, và đã có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Ở phiên chợ Chuộng (Thanh Hóa), nơi cho phép đánh nhau và dùng cà chua ném vào người để cầu may, thì đã có hiện tượng thanh niên lợi dụng lễ hội để trả thù cá nhân. Trực tiếp tham gia và nghiên cứu nhiều lễ hội dân gian, ông Bùi Trọng Hiền cho hay: “Lễ hội Gióng cách đây vài năm đã từng có những vụ đánh nhau trong nghi lễ đến mức phải đưa đi cấp cứu. Nhưng bản thân nó nằm trong tiến trình của lễ hội cổ truyền, chứ không phải mới phát sinh”. 

Theo PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tính trần tục, dân dã là một yếu tố không thể tách rời trong các lễ hội dân gian, bên cạnh tính thiêng liêng trong đó mà chúng hòa quyện vào nhau rất biện chứng, tạo thành nhiều loại hình lễ hội như ngày nay. Điều này cũng một phần lý giải cho sự tồn tại của những lễ hội mang tín ngưỡng phồn thực, rước “sinh thực khí” hay cho phép trai, gái tự do “động chạm” trong một số dịp nhất định trong năm. Đứng ở một góc độ nào đó, những nghi lễ như vậy bị cho là dung tục, nhưng thực tế cho thấy nó có ảnh hưởng sâu đậm đối với sinh hoạt xã hội của người dân, nuôi dưỡng những ước vọng của họ về âm dương hòa hợp, mùa màng bội thu. Nhưng điều cần xem xét là thái độ và cách hưởng thụ những giá trị văn hóa của những người tham gia, có đúng với tinh thần của lễ hội hay lại lợi dụng nó để có những hành vi phản cảm, trái lễ nghi đạo đức thông thường.

Một nghi thức mang tính phồn thực trong lễ “Linh tinh tình phộc” (Phú Thọ)

Đảm bảo tính nhân văn

Rõ ràng, chưa thể có “biển chỉ đường” cho các lễ hội cũng như cách tham gia lễ hội khi đang có một sự khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng ở các vùng miền, địa phương, mà điều này làm nảy sinh những cách nhìn nhận khác nhau đối với những nghi thức, sinh hoạt lễ hội. Như nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, khi nghiên cứu về hình thức nghi lễ và hội hè, vấn đề cốt lõi là cần hiểu nó một cách cụ thể. Có những lễ hội về chủng loại là rất gần nhau nhưng tính chất và giá trị lại khác nhau, buộc phải xét trong tổng thể các yếu tố cấu thành nên nó như không gian, thời gian, điều kiện xã hội…, từ đó chọn lọc để xem xét việc bảo tồn hay thải loại. Lễ hội cũng là một hình thức “mô phỏng”, tuy nhiên thay vì diễn thật, làm thật, thì như ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, có thể thay bằng những hành động mang tính tượng trưng, những động tác giả, hoặc tìm một phương án khác để giữ được tinh thần của lễ hội, chứ không nên khuyến khích những hình ảnh dã man, rùng rợn. Vì lễ hội ngoài tín ngưỡng, cần đảm bảo tính nhân văn, những nét đẹp, giá trị thẩm mỹ đã được lưu giữ và truyền bá qua nhiều thời kỳ khác nhau. Khi có những phong tục mới, tiến bộ, văn minh hơn thì người thực hành lễ hội sẽ rời bỏ, quên đi những cái cũ không còn phù hợp. 

Mặt khác, cũng cần phải có một “cửa ngỏ” cho việc bảo tồn các lễ hội. Lấy đơn cử một việc mặc dù cá voi đã được đưa vào sách Đỏ thế giới nhưng riêng bộ tộc Eskimo, UNESCO cho phép họ một năm được giết cá voi một lần để bảo tồn nghi lễ hiến sinh của bộ tộc như một ngoại lệ. Bởi vậy, chúng ta cần có một sự tôn trọng nhất định đối với các tín ngưỡng của các tộc người chứ không cấm đoán, xóa bỏ. Lễ hội cũng là văn hóa, nên được nhìn nhận và can thiệp để điều chỉnh dưới góc độ văn hóa. Tuy nhiên, xét cho cùng, đây cũng là bài toán khó giải, một khi những nhà quản lý văn hóa, những nhà nghiên cứu cùng những người dân chưa tìm được tiếng nói chung để cùng tháo gỡ, giải quyết vấn đề này.