Chính phủ khóa XIII vào nhiệm kỳ mới:

Đề cao trách nhiệm, hành động kiên quyết, sáng tạo

ANTĐ - Hôm qua, 3-8, Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Thủ tướng khẳng định sẽ phát huy tốt nhất vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của Thủ tướng và của mỗi thành viên Chính phủ; hành động kiên quyết và sáng tạo...  
 

Hôm qua, 3-8, ngay sau khi Chính phủ khóa XIII ra mắt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ phát biểu nhậm chức.

Cảm ơn Quốc hội đã bầu ông tiếp tục đảm nhận trọng trách nhiệm kỳ thứ hai cũng như phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các chức vụ trong Chính phủ mới, Thủ tướng nói, “Đây là vinh dự lớn đồng thời là trách nhiệm rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao phó”.

Thủ tướng khẳng định sẽ triển khai thực hiện kiên định và đồng bộ các giải pháp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.

Thủ tướng cam kết, sẽ tập trung xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước, trước hết là Chính phủ trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực hiệu quả. Kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp, đúng pháp luật và có hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và ngăn ngừa, khắc phục quan liêu. Cùng với đó, nghiêm túc khắc phục hạn chế, yếu kém; nỗ lực cao nhất đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Thủ tướng hứa trước Quốc hội: “Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, cùng nhau chung sức xây dựng một Chính phủ đoàn kết nhất trí, phát huy tốt nhất vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ và của mỗi thành viên Chính phủ; hành động kiên quyết và sáng tạo, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ”.

Trước Quốc hội, Thủ tướng đã trình bày “những suy nghĩ tâm huyết và cũng là những lời hứa mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm thực hiện”. Thủ tướng nguyện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”.                       

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung giải quyết vấn đề bức xúc của nhân dân

- Nhiệm vụ quan trọng nào sẽ được Chính phủ hướng tới trong giai đoạn sắp tới, thưa Phó Thủ tướng?

- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi cho rằng, Chính phủ mới sẽ đồng tâm hiệp lực, hỗ trợ nhau trong công việc, đi sát nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để thực hiện tốt mục tiêu, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra. Trong đó, đặc biệt tập trung xử lý các vấn đề bức xúc của nhân dân mà Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu tại Đại hội XI. Chính phủ và mỗi thành viên Chính phủ phải tập trung giải quyết nhiệm vụ rất quan trọng là tập trung giải quyết 3 nhiệm vụ đột phá mà Thủ tướng đã nêu. Đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Quản lý Nhà nước cũng phải hiệu quả hơn. Hiện nay, chống tham ô, tiêu cực, lãng phí, quan liêu... là những lĩnh vực mà nhân dân còn nhiều bức xúc.

- Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm đổi mới doanh nghiệp Nhà nước?

- Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là một yêu cầu đặt ra trong thời gian tới, phải có lộ trình, bước đi cụ thể để thực hiện nghiêm túc công việc này. Chính phủ coi đây là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

- Dư luận nhân dân đang rất quan tâm tới việc tập trung xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh?

- Để thực hiện mục tiêu xây dựng một Chính phủ trong sạch, Chính phủ có chương trình đồng bộ với quyết tâm cao cùng sự giám sát của nhân dân, Quốc hội và HĐND các cấp, để thực hiện quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong bộ máy Nhà nước. Ưu tiên trước hết vào thể chế, chính sách để cụ thể hóa, hoàn thiện hoá các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, một công việc cũng rất quan trọng là phải xây dựng chế độ công chức công vụ, giáo dục ý thức con người. Thể chế, chính sách có tốt mấy cũng không hiệu quả nếu con người nhũng nhiễu, tiêu cực. Công chức công vụ sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính sắp tới của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh

- Thưa Phó Thủ tướng, Chính phủ khóa mới sẽ ưu tiên nguồn lực vào đâu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội?

- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Chính phủ khóa mới xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có chiến lược tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phá các điểm nghẽn, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển, nâng cao đời sống của người dân. Đây là một nội dung cần nguồn lực rất lớn. Nếu muốn huy động nguồn lực tốt, vai trò của Nhà nước là đặc biệt quan trọng để định hướng đầu tư, nhưng còn phải huy động các nguồn lực khác, từ xã hội, thông qua các cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài Nhà nước, người dân tham gia vào đầu tư. Cùng với đó, cần tranh thủ các nguồn vốn của nước ngoài để đầu tư vào các lĩnh vực Nhà nước cần, nhưng vẫn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Thế nên, việc lựa chọn từng nguồn vốn, đầu tư vào lĩnh vực hoặc dự án nào là rất quan trọng. Ngoài ra, phải có cơ chế thông thoáng để cho xã hội tiết kiệm thực sự, dành vốn đó để đầu tư.

- Việc huy động nguồn lực càng khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước hiện nay còn khó khăn, Phó Thủ tướng nghĩ sao?

- Chúng ta có những thuận lợi song thách thức, khó khăn không phải nhỏ. Trong đó, có những yếu tố nội tại của nền kinh tế, không phải một sớm một chiều khắc phục nhanh được. Phải có bước đi, có lộ trình với những giải pháp đồng bộ. Chẳng hạn, yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế đang đặt ra rất nhiều vấn đề. Thêm nữa, hiện nay, tình hình chung của nền kinh tế thế giới không thuận, xu hướng phục hồi chậm, lạm phát cao trong khi chúng ta hội nhập khá rộng nên cũng chịu tác động không nhỏ. Đó là những thách thức rất lớn, chúng ta cần tập trung sức lực để vượt qua.

- Từng là lãnh đạo TP Hà Nội, sau khi được bổ nhiệm Phó Thủ tướng, ông sẽ quan tâm như thế nào đến triển khai Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội?

- Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là quy hoạch rất dài hơi, đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo tôi, phải tiếp tục xây dựng các quy hoạch chi tiết theo từng lĩnh vực, từng ngành và trên cơ sở đó thiết lập cân đối tổng thể để huy động các nguồn lực của bản thân Hà Nội và của cả nước để dành cho Hà Nội từng bước đầu tư cũng như ưu tiên lựa chọn dự án quan trọng để làm trước.