ĐBQH: Tinh giản biên chế vẫn chưa động đến một bộ phận "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa phản ánh, trong tinh giản biên chế mới chỉ thấy "giản" mà chưa động đến được một bộ phận "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về"...
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa

Chiều 31-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề cập tới lãng phí trong thu hút sử dụng nhân tài. Theo nữ đại biểu, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm và có những chính sách đúng đắn về lĩnh vực này, nhưng thực tế triển khai thì vẫn có tình trạng người tài khi được thu hút vào cơ quan nhà nước gặp khó khăn trong phát huy năng lực.

Do đó họ sẽ an phận ngồi xếp hàng chờ cơ hội làm việc trái ngành hoặc đến lúc chán nản, rời bỏ vị trí.

Cùng với đó là vấn đề tinh giản biên chế. Dẫn lại số liệu của Chính phủ, năm 2021 biên chế công chức giảm 10,01%, viên chức giảm 11,12% so với 2015, vượt chỉ tiêu theo nghị quyết của Đảng là tối thiểu 10%, ĐB Mai Hoa cho rằng, đây là thành tích đáng ghi nhận, nhưng cũng cần phải nhìn nhận thực chất hơn là con số cơ học.

"Vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc thời gian qua có liên quan gì tới tinh giản biên chế ở các bộ ngành địa phương? Dù chọn câu trả lời nào thì rõ ràng đang có sự lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực trong khu vực công" - bà Hoa nói.

Thậm chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng, trong tinh giản biên chế, mới chỉ thấy "giản" mà chưa thấy "tinh". Bởi đối tượng tinh giản chủ yếu đang tập trung ở những người nghỉ hưu đúng tuổi, chuyển công tác, trong khi chưa động đến được những người cần đưa ra khỏi bộ máy là một bộ phận "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", có "vị trí" nhưng khó bố trí "việc làm".

Mặt khác, càng tinh giản biên chế, áp lực công việc đối với những người làm được việc càng lớn, công việc tập trung vào những người này, trong khi họ ít cơ hội thăng tiến, ngạch và bậc lương vẫn theo thâm niên, bằng cấp, chứ không theo vị trí việc làm và mức độ cống hiến…

"Điều này chính là những nguyên nhân khiến cán bộ, công chức rời khu vực công sang khu vực tư để tìm một môi trường làm việc tốt hơn, có cơ hội thăng tiến nhanh hơn, chế độ lương bổng cao hơn" - bà Hoa nói.

Từ thực trạng đó, bà Hoa lo ngại sẽ có tình trạng già hóa lực lượng công chức, viên chức khu vực công và đến 5 năm, 10 năm tới, sẽ có độ hẫng về lực lượng kế cận.