Đại biểu Quốc hội: Cần xem xét trách nhiệm lãnh đạo cơ quan chủ quản trong ban hành văn bản pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tham gia thảo luận tại phiên họp sáng 31-10, Đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) cho rằng, đã đến lúc cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản khi chưa làm tốt vai trò hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngành mình quản lý. 

Theo Đại biểu Siu Hương, với tình hình hiện nay, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 là đúng trọng tâm, trọng điểm và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước.

Về quy mô, Quốc hội thực hiện chương trình giám sát quy mô rất lớn từ trước đến nay. Đây là cuộc giám sát có quy mô và huy động lực lượng lớn tham gia, các cơ quan của Quốc hội trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách đã tham gia và đóng góp nhiều ý kiến về kế hoạch, đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề. Tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức giám sát trực tiếp việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương.

Đại biểu cho rằng, nếu các chương trình giám sát trước đây chỉ tập trung vào một lĩnh vực, một hoặc một số nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện ở một số địa phương thì cuộc giám sát lần này trải rộng từ Trung ương đến các địa phương.

Phạm vi giám sát từ lĩnh vực kinh tế, tổ chức bộ máy đến hoạt động tư pháp. Một chương trình giám sát đã xâu chuỗi gần như hầu hết các lĩnh vực pháp luật điều chỉnh trong đời sống xã hội.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bao quát ở phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều quy định pháp luật chuyên ngành cho tất cả các ngành, lĩnh vực đều yêu cầu phải có các quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức, kinh tế, kỹ thuật cụ thể.

Đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) phát biểu thảo luận

Đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) phát biểu thảo luận

Chương trình giám sát lớn và chi tiết đã bộc lộ cho hoạt động lập pháp, khối lượng công việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật lớn và đặt Chính phủ vào vị thế đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức thực hiện tốt văn bản pháp luật.

Trước sự triển khai quyết liệt và đồng bộ của Quốc hội, đến nay, Đoàn giám sát nhận được 580 công văn, báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Những giải pháp cũng như kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội gần như hoàn chỉnh.

“Trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí yếu tố đầu tiên phải là con người. Báo cáo nêu rõ, vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh, cấp độ nhưng tập trung vào một số lĩnh vực liên quan đến lợi ích như quản lý tài sản công, đất đai” - Đại biểu Siu Hương nhấn mạnh.

Để việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào nề nếp, trở thành ý thức trong đội ngũ cán bộ công chức, Đại biểu Siu Hương đề nghị báo cáo của Đoàn giám sát xem xét, kiến nghị việc đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các chương trình đào tạo.

Qua giám sát đã bộc lộ rõ vi phạm pháp luật nhiều lĩnh vực pháp luật cần hoàn thiện cả về luật hình thức và luật nội dung. Đại biểu cho rằng các cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm trong việc hoàn thiện pháp luật. Trong báo cáo của Đoàn giám sát đã phản ánh rất rõ nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung sai phạm là do văn bản pháp luật chưa hoàn thiện hoặc chưa đồng bộ.

Theo đại biểu, đã đến lúc cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản dưới góc độ chưa làm tốt vai trò hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngành mình quản lý.

Đồng thời tăng cường hơn nữa tính chủ động trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.