ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Không cơ chế để bảo vệ người làm thì chúng ta sẽ tự làm khó mình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dẫn chứng việc đội ngũ cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch Covid-19 quá lớn, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đề nghị, phải có cơ chế để bảo vệ người làm ra cơ chế, nếu không chúng ta sẽ tự làm khó mình...
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại Quốc hội chiều 29-5

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại Quốc hội chiều 29-5

Chiều nay, 29-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phát biểu góp ý vào báo cáo, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM – nhấn mạnh, dịch Covid-19 xảy ra là một phép thử cho thấy hiện trạng, thực lực của ngành y tế đến đâu, từ đó có chính sách cho phù hợp.

Đầu tiên là về việc huy động và quản lý nguồn lực chống dịch, thực sự rất khó khăn. Theo đại biểu, khi dịch xảy ra, có rất nhiều người dân, doanh nghiệp có tấm lòng vàng muốn đóng góp cho lực lượng chống dịch nhưng đóng góp cũng không dễ.

“Chúng tôi ở TP HCM, ngay tâm dịch, khi tiếp nhận nhiều lòng hảo tâm muốn đóng góp, lúc đó chúng tôi có lời khuyên và đề nghị đến họ hãy đóng góp bằng hiện vật chứ đừng đóng góp bằng tiền, bởi chúng tôi không sử dụng, quản lý được. Và tất cả những dự đoán đó sau này đã thành sự thật, khi về sau này có hàng loạt đoàn thanh tra, kiểm tra… Cho nên, phần nào đó chúng ta đã tự làm khó mình” – ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nói.

Về quản lý nguồn huy động, chúng ta cũng chưa phân biệt được giữa một dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện và những dịch bệnh thông thường.

Đơn cử, đối với vaccine, vaccine phòng Covid-19 lúc đầu chúng ta chưa mua được. Chúng ta có cái may mắn, một mặt là vaccine ngoại giao, thứ hai là nguồn vaccine do một công ty thương thảo và ký được hợp đồng nhập khẩu về nước.

“Vấn đề là chúng ta phải làm sao để các nguồn lực được sử dụng một cách chính thức. Vậy vướng ở đâu? Chính là vướng ở quy chế đấu thầu. Trong Luật Đấu thầu sửa đổi mà chúng ta thảo luận cũng chưa thấy có điều luật nào để gỡ vướng. Nên tôi lo ngại nếu dịch bệnh xảy ra giờ chúng ta vẫn lại thiếu vaccine, thuốc... Biết bao giờ tình trạng này mới khắc phục được” – bà Lan phân tích.

Nữ đại biểu đoàn TP HCM nói thêm, với việc quản lý và sử dụng các nguồn lực chống dịch của chúng ta có những điểm nghẽn. Khi nhìn lại chúng ta cũng thấy có nhiều điểm bất cập.

Chẳng hạn, khi tất cả đang thiếu vaccine thì chúng ta lại không cho phép tiêm dịch vụ để giảm bớt gánh nặng cho y tế công lập. Hay khi cả cộng đồng đang sục sôi thiếu thuốc điều trị Covid-19 thì Bộ Y tế lại chậm trễ cấp số đăng ký thuốc dù nó đã có hiệu quả ở nước ngoài, dẫn đến tình trạng mua bán chợ đen, thổi giá…

Một vấn đề khác được ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề xuất bổ sung vào trong báo cáo là cần cân bằng giữa xây và chống.

“Tôi đồng ý là có tiêu cực thì phải chống. Nhưng chúng ta đã quan tâm đúng mức đến việc xây dựng, bồi bổ để làm sao cho ngành y tế có thể mạnh hơn, để đáp ứng yêu cầu chống dịch ngay lúc đó và về sau chưa?” - ĐB Lan đặt câu hỏi.

Theo bà, với ngành y tế, đội ngũ cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch này là quá lớn. Vấn đề là phải làm sao để nay mai nếu đại dịch quay trở lại thì chúng ta ứng phó tốt hơn, bảo vệ được người dân.

“Nếu chúng ta cứ e dè, sợ hãi, chúng ta tự làm khó mình như thế này thì tôi lo ngại không biết điều gì xảy ra nếu dịch quay trở lại, không chỉ dịch Covid mà cả các dịch bệnh khác” – bà Lan nói, đồng thời kiến nghị những quyết sách phải xuất phát từ thực tế, phải có những cơ chế để bảo vệ những người làm cơ chế đó.