ĐBQH nói chính sách dân tộc chồng chéo, nguồn lực phân tán, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nêu giải pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước ý kiến của ĐBQH về việc chính sách dân tộc tản mát, chồng chéo, nguồn lực phân tán và như “cho dầu vào đèn", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa nhận có thực trạng này...
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh

Chiều 6-6, Quốc hội chuyển sang phiên chất vấn với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Hầu A Lềnh đăng đàn trả lời chất vấn, nội dung chất vấn về triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)...

Là một trong những đại biểu chất vấn đầu tiên, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho rằng, chính sách dân tộc còn tản mát ở nhiều văn bản, còn chồng chéo, nguồn lực còn phân tán nên chưa phát huy hiệu quả. Nữ đại biểu ví von, tình trạng này như “cho dầu vào đèn, cháy hết lại đổ dầu cho đèn khỏi tắt”.

“Vậy ý kiến của Bộ trưởng về nhận định này ra sao và giải pháp khắc phục” - ĐB Thúy hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa nhận có thực trạng này. Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, Ủy ban Dân tộc đã chủ động đề xuất Thủ tướng và hiện đang thực hiện Đề án rà soát các chính sách dân tộc liên quan để trình Chính phủ cuối năm nay.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn trước Quốc hội

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn trước Quốc hội

Cũng liên quan đến vấn đề chính sách, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị Bộ trưởng Hầu A Lềnh nêu quan điểm về việc có nên sớm nghiên cứu, ban hành Luật về hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi hay không?

Trả lời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, từ năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã đề nghị xây dựng Luật Dân tộc. Sau 2 nhiệm kỳ, đã tổ chức nhiều hội thảo và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 về nội dung này.

Tuy nhiên, lĩnh vực dân tộc liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau nên để đảm bảo xây dựng luật phù hợp, thống nhất, không chồng chéo luật khác thì cần thời gian nghiên cứu, chưa trình được.

“Quan điểm của tôi có được luật thì tốt, cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng chính sách, nhưng cần căn cơ, đầy đủ vì lĩnh vực này không phải pháp luật chuyên ngành” – Bộ trưởng Hầu A Lềnh chia sẻ.

Bộ trưởng cho biết thêm, thực hiện Kết luận 65 của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội giao nhiệm vụ nghiên cứu Luật Dân tộc trong khoá này, do Hội đồng Dân tộc chủ trì nghiên cứu. Ủy ban Dân tộc sẽ chuyển hồ sơ nghiên cứu trước đây, phối hợp thực hiện.

ĐBQH Dương Tấn Quân chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh

ĐBQH Dương Tấn Quân chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đồng thời, nêu giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng du canh, du cư tự phát, chặt phá rừng?

Trả lời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, hiện nay, theo các quy định thì việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện dựa trên một số tiêu chí: những xã, thôn có 15% dân số trở lên là người dân tộc thiểu số thì xác định là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xã có tỷ lệ hộ nghèo 15% trở lên thì là xã nghèo.

Như vậy, với những xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% thì không còn là xã nghèo nữa. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, trong thực tế cũng xuất hiện một số bất cập. Cụ thể, các xã không còn là vùng đặc biệt khó khăn nữa sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của giai đoạn 2016-2020, hay không được hưởng chính sách bảo hiểm với người dân tộc thiểu số.

Về giải pháp, ông Lềnh cho biết, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan đang sửa Nghị định 146 của Chính phủ, trong đó có bổ sung, đưa các đối tượng thuộc diện không ở các xã đặc biệt khó khăn nhưng vẫn là hộ dân tộc thiểu số khó khăn vào diện tiếp tục thụ hưởng. Dự thảo đang được xin ý kiến các cơ quan liên quan để trình Chính phủ trong thời gian tới...