ĐBQH: Nhiều khi không biết Ban Thanh tra nhân dân ở một số nơi đang có hoạt động gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo một số ĐBQH, ở nhiều nơi hoặc cấp xã, phường hiện nay có thành lập, bầu ra Ban Thanh tra nhân dân nhưng trên thực tế hoạt động không chất lượng, nhiều khi không biết có hoạt động gì hay không...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại hội nghị

Sáng nay, 7-9, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), báo cáo tại hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, đa số ý kiến ĐBQH tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành.

Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo dự án Luật này nhận thấy, Thanh tra huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng khác được giao trong các luật. Do đó, đề nghị giữ Thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành.

Góp ý tại hội nghị, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cũng nêu quan điểm đồng tình giữ mô hình thanh tra cấp huyện, tuy nhiên đề nghị Chính phủ sớm có những giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của thanh tra cấp huyện; kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm điều kiện để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của thanh tra cấp huyện.

Ngoài ra, các ý kiến ĐBQH hoạt động chuyên trách cũng đồng tình với quy định của dự thảo Luật về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhưng đề nghị quy định rõ trong Luật tiêu chí, nguyên tắc thành lập.

Một nội dung khác được nhiều ĐBQH quan tâm là dự thảo Luật quy định giao UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra Sở. Một số ĐBQH góp ý, chỉ những Sở đặc biệt mới thành lập cơ quan thanh tra. Nên căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các Sở, cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh quy định tại Nghị định này để quy định việc thành lập Thanh tra cấp Sở trên phạm vi cả nước, tránh tình trạng thực hiện không thống nhất…

ĐBQH Nguyễn Anh Trí

ĐBQH Nguyễn Anh Trí

Về dự án Luật Dân chủ ở cơ sở, nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là dự thảo Luật mở rộng việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở (không chỉ giới hạn ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay).

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chỉ nên quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn; không tiếp tục thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước như hiện nay, bởi tại những loại hình này, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân khó phát huy hiệu quả thực chất, không bảo đảm tính độc lập trong thực hiện nhiệm vụ như tại xã, phường, thị trấn.

Cũng qua thao luận, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ thủ tục, thẩm quyền công nhận Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước về cơ cấu, tổ chức.

Một số khác phản ánh, thực tế hiện nay, Ban Thanh tra nhân dân còn hoạt động mang tính hình thức, không đủ quyền hạn và năng lực để kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, nhất là kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc chủ doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đồng tình nên có Ban Thanh tra nhân dân, nhất là ở xã, phường, thị trấn, song cần hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động thực chất, hiệu quả hơn. Theo đại biểu này, thực tế nhiều nơi có bầu ra nhưng trên thực tế hoạt động không chất lượng, nhiều khi không biết hoạt động gì.

Cũng theo ông Trí, quan trọng nhất ở xã, phường liên quan đến giải quyết các tranh chấp, vướng mắc về đất đai như thu hồi, hỗ trợ, tái định cư... là phải công khai rõ ràng, cập nhật và kịp thời.