ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Lịch sử y học thế giới cũng không thấy định nghĩa thế nào là xã hội hóa y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, không thể xã hội hóa y tế bằng cách cho tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua máy đặt trong bệnh viện công để chia nhau lợi nhuận....
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại hội nghị

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại hội nghị

Chiều nay, 8-9, hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.

Theo một số ĐBQH, đây là "luật xương sống" của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động; số điều khoản giao cho Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết còn tương đối nhiều, đây đều là những nội dung khó, quan trọng. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc việc xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình 03 kỳ họp.

Đi vào một số nội dung cụ thể của dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề xuất bỏ cụm từ “xã hội hóa y tế”, bởi trong lịch sử của Việt Nam cũng như trên thế giới không thấy định nghĩa thế nào là xã hội hóa y tế.

Theo vị ĐBQH là chuyên gia y tế này, không thể xã hội hóa y tế bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua máy đặt trong bệnh viện công để chia nhau lợi nhuận. Đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định 3 hình thức hợp tác công tư trong y tế. Đó là: cho vay, thuê, cuối cùng là hợp tác công tư phi lợi nhuận.

Về tiến độ, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu mong muốn dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi được thông qua ngay Kỳ họp tháng 10 tới đây để gỡ rối vướng mắc trong y tế hiện nay, còn nếu lùi lại thông qua trong 3 kỳ họp (tới kỳ họp tháng 5 năm sau – PV) sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành y cũng như quyền lợi người dân.

Góp ý vào quy định về giá dịch vụ y tế, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đề nghị, cần quy định nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Lý do vì giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe, được đảm bảo, an sinh xã hội của nhân dân.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà

Liên quan đến quy định về cơ chế tài chính của bệnh viện công, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - đề nghị, luật cần làm rõ, minh bạch về cơ chế tài chính để giúp cho các bệnh viện công lập đi theo đúng định hướng, tránh những vi phạm, sai sót trong quá trình quản lý tài chính của người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, các bệnh viện tư nhân hoạt động thì hoàn toàn được quy định rõ và điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp nên rất thuận lợi trong quá trình hoạt động và minh bạch trong quá trình vận hành. Trong khi đó, các bệnh viện công lập thì cơ chế tài chính lại chưa thực sự rõ ràng.

“Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã phát biểu là nên chăng cần có một điều về cơ chế tài chính nhưng trong bản dự thảo cuối cùng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa thấy có điều riêng cho nội dung này” – bà Hà nói.

Về đề xuất, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị bổ sung vào Điều 4 của dự thảo luật, quy định về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh để làm rõ thêm về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh theo hướng: Bổ sung thêm cụm từ “đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển” vào ý đầu tiên của Điều 4: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý, phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tiếp thu và giải trình rõ thêm ý kiến các ĐBQH nêu ra, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng dự án Luật này, Bộ xác định đây là dự án Luật rất quan trọng.

Nói rõ hơn quy định về giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, nếu tại điểm này mà chúng ta đưa ra được các định hướng về giá, kết hợp với Luật Giá sẽ tạo nên hành lang pháp lý hết sức phù hợp. Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của ĐBQH, đảm bảo lộ trình tính đúng tính đủ, đáp ứng yêu cầu khám bệnh chữa bệnh, cân đối, đảm bảo chi phí.

“Tuy nhiên cũng có nhiều áp lực đối với các bệnh viện trong việc tự chủ của mình. Vấn đề này Bộ sẽ tiếp tục có các chỉ đạo và hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo Luật sau khi ban hành sẽ khắc phục được những tồn tại hạn chế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc tốt nhất sức khỏe của người dân” – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói.