ĐBQH: Lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định vốn thực có của người tham gia đấu giá đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất cho thấy, vướng mắc và cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất chính là xác định năng lực tài chính ‘vốn thực có’ của người tham gia đấu giá đất.

Cho ý kiến về Dự án Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này là hết sức cần thiết và cấp thiết, góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu, lạm dụng gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này.

Đại biểu cho rằng, tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính đang là phổ biến.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) phát biểu

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) phát biểu

Trong Luật Đấu giá tài sản hiện hành, Khoản 5 Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá.

Điều này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay đấu giá hộ do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp dựa hoàn toàn vào ngân hàng bảo lãnh. Hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc hoặc trúng đấu giá xong triển khai dự án trì trệ… Đây là vấn đề rất nghiêm trọng đã xảy ra phổ biến, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo đại biểu, thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua cho thấy, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính, vốn thực có của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Cùng đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự thảo luật, nhằm đóng góp tích cực vào công tác quản lý, sử dụng tài sản công.

Đại biểu cho biết, trong báo cáo của Chính phủ và Bộ Tư pháp đã đề cập đến vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá hình thực hiện đấu giá, như tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý hành chính và hình sự.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) thảo luận

Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) thảo luận

Đại biểu nhận định, tình trạng thông thầu, thông đồng, “quân xanh, quân đỏ”, cò mồi, đe dọa cưỡng ép xảy ra khá tinh vi có xu hướng ngày càng phức tạp. Do vậy, khi sửa đổi luật, cần có các quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch để phòng ngừa những hành vi này.

Đại biểu Phạm Đức Ấn cũng nêu tình trạng ép giá, kiến nghị về việc đấu giá làm kéo dài thời gian hoàn thiện được các thủ tục để mua tài sản đó. Vì vậy, cần có giải pháp để xử lý vấn đề này, trong đó thời gian xem xét tài sản nên tăng thêm ít nhất 3 ngày.

Về quy định liên quan đến đặt cọc, đại biểu cho rằng phải nhìn nhận thấu đáo, trong đó cần sửa Điều 51 tránh tình trạng làm lũng đoạn về giá, gây khó khăn cho cả cơ quan định giá và người tham gia đấu giá.

‘Phải nâng cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc thu thập, thống kê thông tin của các tổ chức tham gia đấu giá để phát hiện những bất thường, phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý’ - đại biểu Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.