ĐBQH: Không phải cứ tổ chức nhiều cuộc giám sát, làm việc là đem lại hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), không phải tổ chức nhiều cuộc giám sát, làm việc là đem lại hiệu quả cho cuộc giám sát. Muốn nâng cao chất lượng giám sát phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong đoàn...

Sáng nay, 27-5, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 (như Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội;…).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ 2015 đến hết 2023…

Thảo luận về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), cho rằng báo cáo của UBTVQH đã đánh giá khá đầy đủ kết quả, phân tích ưu điểm hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) phát biểu thảo luận

Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng cho rằng, trong tổ chức thực hiện của mỗi chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH còn có những bất cập như vừa phân công cho Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát vừa phân công cho Thường trực Hội đồng nhân dân tổ chức giám sát.

Như vậy, cùng một lúc, cùng một chủ đề và cùng một đơn vị chịu sự giám sát có 2 đoàn cơ quan dân cử tại địa phương giám sát.

Mặt khác, tại các đơn vị, địa phương được chọn đến giám sát thực tế sẽ có 2 lần làm việc Đoàn giám sát Trung ương. Tại địa phương được chọn giám sát sẽ có đến 4 lần giám sát về cùng 1 vấn đề.

Trong khi đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương còn tổ chức giám sát riêng, Thường trựcHĐND, các Ban của HĐND cũng giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho biết thêm, thực tế tại địa phương Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND có chung cơ quan giúp việc. Như vậy, việc xây dựng báo cáo tổng hợp, giúp việc phục vụ hoạt động giám sát cũng chỉ có bộ máy cán bộ đó.

Cùng với đó, thành phần tham gia đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương và của Thường trực HĐND giám sát chuyên đề đó tại địa phương cũng như nhau. Do vậy, cách làm này chưa thực sự khoa học, tiết kiệm.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, không phải tổ chức nhiều cuộc giám sát, nhiều cuộc làm việc là đem lại hiệu quả cho cuộc giám sát. Muốn nâng cao chất lượng giám sát thì phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong đoàn giám sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá cho trúng vấn đề, kiến nghị phù hợp và đeo bám để theo dõi việc giải quyết của cơ quan chức năng.

Từ những vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé kiến nghị Quốc hội, UBTVQH khi tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề tại địa phương nên giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND giám sát chung mà không tách ra để tránh sự lãng phí trong công tác tổ chức.

Đồng thời, khi Đoàn giám sát Trung ương đến địa phương làm việc trực tiếp không nên giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát trước nữa để tránh sự trùng lặp trong hoạt động giám sát.