ĐBQH: Không lo ngại người làm tốt mà không được phiếu tín nhiệm cao, vì dân biết cả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho biết, dù có thể nói ra hay không nói ra nhưng dân đều biết ai dám nghĩ dám làm, ai vì lợi ích chung, vì thế cán bộ không phải sợ người làm tốt mà không được tín nhiệm cao…
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 30-5

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 30-5

Phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội chiều 30-5, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) tập trung góp ý về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo dự thảo Nghị quyết quy định, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm sẽ tiến hành một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Hình thức lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín với các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Tuy nhiên ĐB Nguyễn Quốc Hận đưa ra đề xuất táo bạo là nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong 1 nhiệm kỳ 5 năm - dù nhấn mạnh rằng kiến nghị này có thể “rất khó được tiếp thu”.

Cụ thể, vị đại biểu này cho rằng, nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần thứ nhất ở thời điểm sau 2 năm đầu (kể từ đầu nhiệm kỳ), nhằm có thể rà soát lại năng lực của cán bộ. Lý do vì không phải một cán bộ làm được mọi vị trí, có thể làm tốt chức vụ này mà không tốt chức vụ khác.

Còn lần lấy phiếu tín nhiệm thứ hai, nên tiến hành sau 4 năm (kể từ đầu nhiệm kỳ) để tiếp tục xem xét năng lực cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới, bởi “lúc này cán bộ nào làm tốt thì biết cả rồi”

Về mức độ tín nhiệm, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận tiếp tục đưa ra một đề xuất đáng chú ý rằng, chỉ nên để hai mức là “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm thấp”. Nếu ai có trên 50% số phiếu “tín nhiệm thấp” thì bỏ phiếu tín nhiệm với hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Khi đó, nếu số phiếu “không tín nhiệm” cao trên 50% hoặc trên 75% thì tiến hành cho thôi chức, đồng thời loại ra khỏi quy hoạch trong nhiệm kỳ tới.

Vị ĐBQH này cũng nêu quan điểm cá nhân rằng, trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức dậm chân tại chỗ, không dám làm gì do lo, e ngại không biết làm thế nào cho đúng.

Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy không có gì qua được mắt dân, dù có thể nói ra hay không nói ra nhưng dân đều biết ai dám nghĩ dám làm, ai vì lợi ích chung không vụ lợi. “Vì thế không sợ người làm tốt mà không được tín nhiệm cao” – ông Hận nói thêm.

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi thảo luận tổ tại Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi thảo luận tổ tại Quốc hội

Cũng thảo luận về nội dung này, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) bày tỏ băn khoăn về việc thiếu căn cứ để các đại biểu xem xét, quyết định trước khi bỏ phiếu tín nhiệm với người được lấy phiếu tín nhiệm.

Theo ông, giả sử trước khi được bầu hoặc phê chuẩn mà các chức danh này có chương trình hành động thì đấy được coi như "khế ước”, là căn cứ để các ĐBQH soi vào mà xem xét, kiểm đếm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh đó.

Tương tự, ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) cũng nêu quan điểm, các thông tin “đầu vào” cho ĐBQH khi xem xét bỏ phiếu tín nhiệm với người được lấy phiếu là quá ít nên việc lấy phiếu vẫn mang tính ước lệ.

Ông Hồi cũng đề xuất, cần phải phân ra nhiều trường hợp với người có tỷ lệ “tín nhiệm thấp” cao. Chẳng hạn, nếu cán bộ bị “tín nhiệm thấp” do được bố trí không đúng sở trường của mình thì nên luân chuyển, còn với những người mà có dấu hiệu liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm luôn.