- Mới: Chính thức trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026
- Đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết 2026, mở rộng với than, xăng dầu
![]() |
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ ĐBQH đoàn TP.HCM |
Chiều 21-5, Quốc hội thảo luận tổ về một số nội dung: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT, hay còn gọi là thuế VAT); chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu giai đoạn 1.
Tại tổ TP.HCM, đại biểu Trần Anh Tuấn tán thành giảm thuế GTGT đến cuối năm 2026. Lý do bởi mấy năm vừa qua, cứ 6 tháng lại đưa ra Quốc hội quyết định gia hạn chính sách này, không tạo được sự ổn định, chủ động cho các doanh nghiệp trong lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, đại biểu Tuấn đề nghị mở rộng diện giảm thuế cho tất cả hàng hóa, dịch vụ, không loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như tờ trình của Chính phủ.
![]() |
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) phát biểu |
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích, khi áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT không những không giảm thu ngân sách nhà nước mà thậm chí còn tăng nhờ tác động lan tỏa đến nền kinh tế. Ông Ngân cũng cho rằng nên giảm thuế cho tất cả mặt hàng, dịch vụ, tạo thuận lợi cho công tác thu thuế.
Tại các tổ thảo luận khác, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, việc tiếp tục giảm 2% thuế GTGT từ ngày 1-7-2025 đến hết năm 2026 là một chính sách tài khóa quan trọng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
![]() |
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) phát biểu |
Theo đại biểu Bình, việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí đầu vào, từ đó hạ giá bán sản phẩm, dịch vụ và tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, chính sách giảm thuế góp phần kích thích tiêu dùng trong nước, qua đó tác động tích cực đến tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy vậy, ông Bình cho rằng, chính sách này vẫn còn một số bất cập, chưa bao phủ đầy đủ các ngành nghề. Nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, viễn thông, bất động sản, sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt... không thuộc diện được giảm thuế, dẫn tới sự hỗ trợ thiếu đồng đều. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp lớn, có lãi cao vẫn được giảm thuế như các doanh nghiệp tiêu dùng, thương mại điện tử…
Do vậy, ĐBQH Thạch Phước Bình đề xuất chuyển từ giảm đồng loạt 2% thuế GTGT sang giảm sâu 4 – 5% nhưng có điều kiện, áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, startup công nghệ, ngành chịu ảnh hưởng lớn (dịch vụ, sản xuất phụ trợ, chế biến nông sản) để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng.
Đồng thời, mở rộng danh mục ngành được hưởng ưu đãi giảm thuế GTGT với ngành công nghệ thông tin; giáo dục và đào tạo; y tế tư nhân.