ĐBQH đề nghị không hòa giải trong giải quyết bạo lực gia đình với trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga nêu, thực tế đã có nhiều vụ việc bạo lực gia đình với trẻ em rất thương tâm, hành vi này cần phải xử lý nghiêm chứ không nên quy định hòa giải…
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga

Thảo luận về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chiều 26-10, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị điều chỉnh nguyên tắc hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình đối với trường hợp là trẻ em.

Theo bà Nga, trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị bạo lực gia đình. Thực tế đã chứng minh có rất nhiều vụ việc bạo lực gia đình với trẻ em hết sức thương tâm. Với những đặc điểm thể chất còn non nớt, đặc điểm tâm lý phát triển chưa hoàn thiện, khi bị bạo lực, trẻ rất hoảng loạn.

“Tổ chức hòa giải để hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp là biện pháp không thể áp dụng với trẻ em. Các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là trẻ em đều không có mâu thuẫn, tranh chấp từ phía trẻ em nên không cần thiết áp dụng. Trẻ em không thể xem xét, cân nhắc giải quyết mâu thuẫn với người gây bạo lực cho mình” – nữ ĐBQH đoàn Hải Dương phân tích.

Nhắc lại việc bạo lực gia đình với trẻ em trên thực tế vẫn hết sức phức tạp, nhiều vụ việc thương tâm đã được báo chí phản ánh, gây bất bình trong dư luận, bà Nga nhấn mạnh cần phải có biện pháp đủ mạnh và quy định của pháp luật để phòng ngừa.

Góp ý thêm quy định về biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ người bị bạo lực gia đình, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga băn khoăn với biện pháp bắt buộc người có hành vi bạo lực gia đình phải làm công việc phục vụ cộng đồng ở nơi người bạo lực gia đình sinh sống.

Theo ĐBQH này, trong rất nhiều trường hợp, người gây bạo lực và người bị bạo lực không sống chung ở một địa bàn, nhất là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người là cha mẹ - con riêng – anh chị em của người đã ly hôn, người từng có quy định cha mẹ nuôi – con nuôi… Đồng thời hành vi bạo lực thường xảy ra ở nơi người bị bạo hành cư trú.

Do đó, quyết định UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng ở nơi họ sinh sống là không phù hợp. Mặt khác việc thực hiện phục vụ cộng đồng ở một nơi và bạo lực gia đình tại một nơi khác thì không đảm bảo tính răn đe.

Một nội dung khác tại dự thảo luật này cũng còn nhiều ý kiến ĐBQH chưa đồng tình là quy định người bạo lực gia đình sẽ bị giữ tại trụ sở công an trong 6 giờ, không giới hạn số lần, biện pháp tương tự như tạm giữ hành chính.

Theo các ĐB, không cần quy định như vậy vì pháp luật đã có quy định về tạm giữ hành chính. Trong trường hợp nếu thấy cần thiết, đề nghị luật quy định theo hướng công an cấp xã có quyền yêu cầu người gây bạo lực gia đình đến trụ sở để làm rõ hành vi bạo lực gia đình.

Nếu người gây bạo lực gia đình không đến thì có thể áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính khi đủ điều kiện cần thiết.