ĐBQH: “Có người tâm sự nghiên cứu khoa học là nghề dễ kiếm tiền”

ANTĐ -“Có người tâm sự với tôi rằng nghiên cứu khoa học là việc làm dễ kiếm tiền, tại sao vậy và có lãng phí hay không trong nghiên cứu khoa công nghệ?” – phần chất vấn với Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã “nóng” hơn dự kiến khi số ĐBQH đăng ký chất vấn đã tăng vượt cả phần chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng hỏi: Bộ trưởng có biết chuyện chạy đề tài nghiên cứu để ăn chia không?

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho biết, nhiều cử tri bức xúc phản ánh việc ngân sách chi cho khoa học công nghệ (KHCN) thiếu minh bạch. “Những người bên Bộ KHCN thì khi xét duyệt đề tài rất dễ dàng còn những người khác thì khó khăn. Ngoài ra, có có hiện tượng cán bộ của Bộ KHCN gợi ý cho các Trường, Viện chạy đề tài nghiên cứu khoa học để  “ăn phần trăm”, tỷ lệ ăn chia đến 20%. ĐB hỏi: Bộ trưởng có biết điều này không?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ: “Cho đến giờ phút này tôi chưa thấy ai phản ánh với tôi về việc này. Nếu có việc này đề nghị các ĐB chuyển cho chúng tôi, tôi sẽ xử lý nghiêm”.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Quân cần làm rõ hơn việc lãng phí trong nghiên cứu khoa học là vô cùng lớn, kết quả mang lại chưa tương xứng với số kinh phí bỏ ra. “Mỗi một Bộ hàng năm có ít nhất vài chục đến vài trăm tỷ đồng chi cho nghiên cứu khoa học, in ấn rất nhiều song chẳng mang lại lợi ích gì. Nhiều người tâm sự nghiên cứu khoa học là việc kiếm tiền dễ dàng. Xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học qua rất nhiều cấp, song tại sao vẫn không loại bỏ được những đề tài thiếu tính ứng dụng, nhất là trong nghiên cứu khoa học xã hội” – ĐB này hỏi?...

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chúng tôi không dám nói là không có lãng phí (Ảnh: Thuần Thư)

Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời: “Về lãng phí trong KHCN, chúng tôi không dám nói là không có. Tuy nhiên trong 2% ngân sách nhà nước dành chi cho KHCN mỗi năm,  tương đương 23.000 tỷ đồng, thực tế năm nay chỉ được phân bổ hơn 17.000 tỷ đồng, trong đó 40% dành cho chi thường xuyên, 40% dành cho phát triển hạ tầng cơ sở KHCN, chỉ còn xấp xỉ 20% cho toàn bộ các nghiên cứu, tức vào khoảng xấp xỉ 3.800 tỷ đồng”.

“Nếu chia cho 2.600 tổ chức khoa học công nghệ, 140.000 cán bộ KHCN cả nước thì tỷ lệ này rất thấp, bình quân mỗi 1 tổ chức KHCN chỉ được trên 1 tỷ đồng dành cho nghiên cứu, 1 cán bộ chỉ được trên 30 triệu đồng dành cho nghiên cứu, rất thấp so với thế giới. Do đó lãng phí nếu có thì liên quan đến cơ chế đầu tư chưa tới ngưỡng, tức đầu tư nhưng không tới ngưỡng thì nghiên cứu thất bại. Cũng có thể có một số đề tài không dùng được vì không bám sát thực tế. Còn những vấn đề liên quan đến tham nhũng thì chúng tôi chưa nhận được phản ánh” – Bộ trưởng Bộ KHCN phân tích.

Không hài lòng với cách trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn “thay” ĐBQH: “ĐB Cương hỏi là có lãng phí không? Đề tài bỏ ngăn kéo, có tiêu cực không, thâm hụt to nhỏ ra sao...”. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý với Bộ trưởng Nguyễn Quân “so sánh với thế giới thì vô cùng, đúng là ngân sách chi cho KHCN của nước ta còn thấp nhưng với điều kiện nước ta mà mỗi năm chi 23.000 tỷ đồng thì không hề nhỏ, không được để lãng phí”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh :“Hiệu quả nghiên cứu KHCN không cao là lãng phí rồi, nghiên cứu song không ứng dụng được là lãng phí rồi, cần phải có biện pháp khắc phục”.