ĐBQH: Bác sỹ vào phòng mổ vẫn bị phân tâm bởi các gói thầu với mối quan hệ chằng chịt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Câu chuyện giằng xé giữa chuyên môn và quản lý trong ngành y vẫn đang tiếp tục. Mới đây, một Giáo sư - Bác sỹ đã từ chối chức vụ Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị để chuyên tâm vào chuyên môn” - Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nêu ví dụ.

Không dám tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị y tế vì sợ sai, sợ vi phạm

Góp ý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt, công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang rất khó khăn.

Tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế khiến nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám thực hiện việc đấu thầu mua sắm vì sợ sai, sợ vi phạm. Sai phạm do thể chế pháp luật không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Theo Đại biểu, hiện nay nước ta là một trong số ít quốc gia áp dụng mô hình quản lý kiêm nhiệm. Giám đốc bệnh viện công trước hết phải là những người giỏi chuyên môn y khoa, phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài.

Tuy nhiên, họ không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý điều hành, quản trị hoạt động của bệnh viện dẫn đến bất cập trong quản lý làm cho chất lượng dịch vụ kém, việc tổ chức khám chữa bệnh thiếu tính chuyên nghiệp.

Trong khi đó, các trường y hiện nay mới chỉ tập trung đào tạo chuyên ngành y khoa mà không chú trọng chuyên ngành quản lý kinh tế. Người giỏi về chuyên môn y khoa khi được cất nhắc làm lãnh đạo luôn phải có sự lựa chọn hoặc chuyên môn hay quản lý.

“Câu chuyện giằng xé giữa chuyên môn và quản lý vẫn tiếp tục. Mới đây, một Giáo sư - Bác sỹ đã từ chối chức vụ Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị để chuyên tâm vào chuyên môn” - Đại biểu nêu ví dụ.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) thảo luận

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) thảo luận

Đại biểu Long cũng nêu vấn đề, với những người chấp nhận vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn thì áp lực rất lớn, khó có thể hoàn thành tốt cả 2 nhiệm vụ. Thử hình dung Giáo sư - Bác sỹ khi bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý cứu chữa bệnh nhân thì họ vẫn đang bị phân tâm gói thầu A, B nào đó với nhiều mối quan hệ chằng chịt mà nếu không xử lý tốt thì chuyện vào tù chỉ là sớm hay muộn.

Để bảo đảm minh bạch trong quản lý bệnh viện công, trả lại sứ mệnh thiêng liêng cho bác sỹ là chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân, Bộ Y tế đã trình Chính phủ về chủ trương thí điểm cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Theo đó, bệnh viện công sẽ tự chủ tài chính, tự chủ bộ máy theo mô hình thành lập Hội đồng quản lý gồm Tổng Giám đốc điều hành, thí điểm bệnh viện công thuê giám đốc điều hành CEO. Họ không cần là giáo sư - tiến sỹ y khoa mà chỉ cần giỏi về quản lý y tế.

Cũng theo Đại biểu, rất tiếc mô hình trên chưa hiệu quả, đang vấp vào 2 rào cản chính là nhận thức và thể chế. Cho rằng, sự đổi mới về quản trị y tế công là rất cấp thiết. Đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị, cơ quan soạn thảo cần xem xét một số vấn đề như sửa đổi, bổ sung quy định phân định rõ hoạt động chuyên môn, hoạt động quản lý bệnh viện công.

Đồng thời cần quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý, điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định về điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị cần xem xét quy định các tiêu chuẩn về nhân lực quản lý, đây là một tiêu chí bắt buộc nhằm đánh giá chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn chung thế giới...

Chưa bao giờ luật pháp về y tế bị thiếu hụt như bây giờ

Cùng cho ý kiến về nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, tròn 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ ông thấy luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ.

Theo Đại biểu, vì yêu cầu khám, chữa bệnh của xã hội tăng cao, y học phát triển quá nhanh, áp lực khám, chữa bệnh vẫn luôn là cứu bệnh như cứu hỏa. Đặc biệt, hơn 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã càn quét làm sức khỏe nhân dân bị tổn thương nặng nề. Cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch, họ làm ngày, làm đêm bất chấp nguy hiểm, khó khăn mặc dù thù lao của cán bộ y tế cơ sở chỉ có 18.600 đồng một đêm.

Do Luật thiếu, sơ hở, lỏng lẻo nên lòng tham 1 số người là cán bộ y tế có cơ hội trỗi dậy, họ trục lợi, xà xẻo, chấm mút, chia chác. Người xấu đã và đang bị lôi ra ánh sáng, bị xử lý khiến ngành y tế cả nước chao đảo.

Nhiều chiến binh áo trắng kiên cường trong phòng chống dịch, bảo vệ sức khoẻ nhân dân nay bải hoải, buông tay đứng nhìn. Họ thấy hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư sinh phẩm bị đứt gãy, vì nhà thầu dè dặt cung cấp, các công ty tư vấn thẩm định hoặc đang đợi hoặc tạm nghỉ, sự phê duyệt của cơ quan quản lý bị đình đốn, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh.

Thiệt thòi lớn nhất thuộc về người bệnh. Cán bộ y tế muốn làm, nhưng do thiếu hành làng pháp lý nên không thể làm được.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phát biểu

Do vậy, Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn là cả hoàn thiện thể chế, đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành y tế.

Trước mắt cần triển khai nội dung trong các Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mua sắm để khám, chữa bệnh và dũng cảm để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp như Luật Khám, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng, chống dịch và những luật khác có liên quan, đặc biệt về những vấn đề như xã hội hóa tự chủ bệnh viện…