Dạy thêm không thu tiền, nhà trường than thiếu kinh phí, Bộ Tài chính nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc dạy thêm không thu tiền của học sinh, theo phản ánh là đã gây khó khăn cho cơ sở giáo dục, do hiện nay ngân sách nhà nước thường không cấp kinh phí cho hoạt động này, khiến nhà trường thiếu nguồn lực tài chính để chi trả thù lao tương xứng cho giáo viên.

Bộ Tài chính cho biết, Bộ này nhận được công văn của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội về việc chuyển Phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang - nay là An Giang).

Nội dung chất vấn nêu: Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT từ khi có hiệu lực đến nay bước đầu đã mang lại một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, quy định tại Điều 5 về dạy thêm học thêm trong nhà trường là không được thu tiền của học sinh mà kinh phí tổ chức lấy từ nguồn “ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định..." (Điều 7) đã gây khó khăn cho cơ sở giáo dục.

Bất cập này là do hiện nay ngân sách nhà nước thường không cấp kinh phí cho hoạt động này và các nguồn kinh phí hợp pháp khác cũng quy định chưa rõ ràng. Nhà trường thiếu nguồn lực tài chính nên không thể chi trả thù lao tương xứng cho giáo viên được phân công giảng dạy.

“Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và Bộ trưởng có biện pháp gì để tháo gỡ khó khăn trên nhằm tạo động lực cống hiến cho đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” – Đoàn đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao đặt vấn đề.

Việc cấm dạy thêm thu tiền trong nhà trường bước đầu đã đem lại kết quả tích cực

Việc cấm dạy thêm thu tiền trong nhà trường bước đầu đã đem lại kết quả tích cực

Phản hồi chất vấn, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục, chủ trì ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm.

Qua nghiên cứu, tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học, gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Để bảo đảm nguồn lực cho các hoạt động này, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT ngày 07/3/2025 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học. Trong đó quy định với mỗi 01 tiết dạy cho cho các hoạt động này được quy đổi thành tối đa 02 tiết định mức (tuỳ từng hoạt động). Trường hợp dạy vượt giờ, các giáo viên sẽ được hưởng chế độ dạy vượt giờ theo quy định.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 69/2021/TT-BTC ngày 11/8/2021 hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông. Trong đó đã có quy định một số nội dung, mức chi cho công tác tập huấn cho học sinh tham dự và công tác tổ chức các kỳ thi.

Thực hiện công tác rà soát văn bản, để kịp thời cập nhật các nội dung, mức chi mới, Bộ Tài chính đã có công văn số 9201/BTC-KTN ngày 25/6/2025 đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát, đánh giá và đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 69/2021/TT-BTC.

Bên cạnh đó, việc tạo động lực cống hiến cho đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Tại Thông báo số 177-TB/VPTW ngày 25/4/2025, Tổng Bí thư đã chỉ đạo tổ chức dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện.

Triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 06/6/2025 về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho trẻ em, học sinh trong đó đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày; giao Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương bố trí ngân sách nhà nước theo quy định.

“Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với Bộ GD&ĐT trong việc hướng dẫn các địa phương bố trí ngân sách nhà nước theo quy định để triển khai các kết luận, nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 177-TB/VPTW và Chỉ thị số 17/CT-TTg góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” – Bộ Tài chính cho biết.