Dậy sóng phân biệt chủng tộc

ANTĐ - Sóng ngầm phân biệt chủng tộc tại Mỹ thêm một lần nữa lại bùng nổ mãnh liệt sau khi toà án ra phán quyết tha bổng nhân viên bảo vệ da trắng nổ súng bắn chết một thanh niên da đen mới 17 tuổi trong tay không tấc sắt.

Biểu tình tại thành phố Detroit để phản đối nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ

Đỉnh điểm của làn sóng phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ diễn ra vào cuối tuần qua khi một nhóm các mục sư da đen thông báo sẽ tổ chức biểu tình rầm rộ tại 100 thành phố trên toàn nước Mỹ để phản đối phán quyết của tòa án trong vụ một người đàn ông da trắng sát hại một thanh niên da đen. Mục sư, nhà hoạt động về quyền dân sự, đồng thời cũng là người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Al Sharpton kêu gọi người dân Mỹ xuống đường biểu tình trước các văn phòng chi nhánh của Bộ Tư pháp Mỹ ở 100 thành phố để phản đối phán quyết “mang tính phân biệt chủng tộc” này.

Vụ người thanh niên da đen Trayvon Martin, mới 17 tuổi, bị bắn chết khi trong tay không hề có bất kỳ một hung khí nào đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận Mỹ suốt gần một năm rưỡi qua. Trước đó, vào đêm 26-2-2012, nhân viên bảo vệ da trắng George Zimmerman đã bắn chết Martin sau khi giữa hai bên xảy ra tranh cãi tại khu phố Sanford ở bang Florida (Mỹ) có đa số người da trắng sinh sống. 

Ban đầu, cảnh sát bang Florida từ chối khởi tố điều tra đối với Zimmerman vì cho rằng người này bị uy hiếp khi thi hành phận sự. Song trước làn sóng phản đối dữ dội sau đó của dư luận trên khắp nước Mỹ, nhà chức trách đã buộc phải phát lệnh bắt Zimmerman vào tháng 4-2012 với tội danh giết người cấp độ 2, tội danh nếu bị kết án phải chịu mức án kịch khung là tù chung thân. 

Tuy nhiên, tòa án bang Florida ngày 14-7 vừa qua đã bất ngờ ra phán quyết tha bổng cho Zimmerman. Quyết định này lập tức làm bùng phát làn sóng phản đối mạnh mẽ trên khắp nước Mỹ trước phán quyết được cho là mang tính phân biệt chủng tộc, bênh vực người da trắng và xem thường sinh mạng của người da màu. 

Cùng với việc kêu gọi người dân xuống đường biểu tình phản đối tại 100 thành phố lớn, nhóm hoạt động về quyền dân sự NAACP lớn nhất nước Mỹ ra tuyên bố kêu gọi người dân ký tên yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder can thiệp. Mặc dù được tuyên bố trắng án về tội hình sự, Zimmerman vẫn có thể bị khởi tố về tội danh vi phạm quyền dân sự nếu gia đình Martin hoặc Bộ Tư pháp Mỹ do ông Holder, một người da màu đầu tiên giữ cương vị này, đứng đầu theo đuổi vụ kiện. 

Cộng đồng da màu cùng các nhà hoạt động nhân quyền, quyền dân sự ở Mỹ đang quyết liệt đòi công lý cho người thanh niên Martin mà qua đó cũng chính là cuộc đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc vốn đã kéo dài hàng trăm năm qua tại nước Mỹ. Theo Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), mỗi năm tại nước này có tới hàng nghìn người là nạn nhân của sự kỳ thị chủng tộc do yếu tố màu da, tôn giáo hay nguồn gốc sắc tộc. 

Năm 2008, ông Barack Obama lên nhậm chức, trở thành Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử của nước Mỹ, đã làm dấy lên hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa người da màu và da trắng cũng như sự bình đẳng lớn hơn giữa các chủng tộc ở nước Mỹ. Song thực tế những năm qua cho thấy phân biệt chủng tộc, trong đó vụ người thanh niên Martin bị sát hại là một trong nhiều vụ nổi cộm, vẫn là một thực trạng nhức nhối trong lòng nước Mỹ.