TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ:

Đây là hành động đã tính toán kỹ lưỡng và nham hiểm của Trung Quốc

ANTĐ - Cùng với phân tích: “Hành động mới đây trên Biển Đông là câu trả lời rõ ràng, chắc chắn sẽ khiến nhiều người còn đang mơ hồ về cách đi của Trung Quốc tỉnh ngộ”, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhấn mạnh: Chúng ta cần phải có những ứng xử cần thiết để ngăn cản bước đi và hành động đó.

Đây là hành động đã tính toán kỹ lưỡng và nham hiểm của Trung Quốc ảnh 1


-  Trung Quốc đã chính thức đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ra Biển Đông, ông nhìn nhận như thế nào về hành động này?

- Chúng ta đã biết thông tin cụ thể từ chính Trung Quốc nêu ra. Về  mặt pháp lý một lần nữa họ bảo vệ và hiện thực hóa quan điểm pháp lý hết sức sai lầm, hoàn toàn bất chấp các quy định, Công ước Luật Biển. Trước đây, họ chỉ làm động thái cản trở, cắt dây cáp, kêu gọi đấu thầu quốc tế và đưa thông tin về giàn khoan khổng lồ xuống hoạt động ở Biển Đông nhưng họ chưa lần nào đưa xuống nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như lần này. Đây là lần đầu tiên sau một chuỗi các hoạt động thăm dò, có tính chất gây sức ép, họ chính thức chuẩn bị khai thác ở vùng biển của Việt Nam. Họ có tính toán rất kỹ lưỡng. Có 2 vấn đề chúng ta lưu ý là thời điểm và địa điểm. Thời điểm này điểm nóng quốc tế là ở Ukraine, dư luận quốc tế đang hướng về vùng đó. Các nước trong khu vực cũng có sự phân hóa, chia rẽ. Tất cả những điều đó đã được tính toán trên tất cả các mặt trận. Bây giờ họ làm thật sự chứ không còn thăm dò nữa. Chọn thời điểm, địa điểm để thực hiện hành động. Đó là sự tính toán kỹ lưỡng và nham hiểm của Trung Quốc. 

- Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Nhiều quốc gia hy vọng tình hình Biển Đông đã lắng đi rồi. Nhưng rõ ràng hành động vừa rồi là câu trả lời rõ ràng. Chắc chắn nhiều người còn đang mơ hồ về cách đi của Trung Quốc sẽ tỉnh ngộ. Chúng ta cần phải có những ứng xử cần thiết để ngăn cản bước đi và hành động đó. Chắc chắn việc đó sẽ còn diễn ra sâu hơn nữa, sát hơn nữa với vùng mà chúng ta đang hàng ngày khai thác phục vụ phát triển đất nước. Sau đó họ tính đến việc khai thác những mỏ dầu khác trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Họ sẽ làm như họ đã công bố đường lưỡi bò với thế giới trong các văn bản chính thức. Họ đã có sự chuẩn bị để làm với đầy đủ các bước tuyên truyền, ngoại giao, bảo vệ, phòng vệ… Đây là đòn cực kỳ nguy hiểm và chúng ta cần phải có những biện pháp kiên quyết. 

- Vậy chúng ta nên ứng xử như thế nào, thưa ông?

- Theo tôi nghĩ chúng ta không thể im lặng được. Đây rõ ràng không thể nói là vùng có sự chồng lấn, có tranh chấp. Hành động của Trung Quốc là hành động xâm phạm nguồn sống hợp pháp của chúng ta. Chúng ta không thể đứng im cho họ muốn làm gì thì làm trong khu vực  mà chúng ta có quyền hợp pháp. Chúng ta không vì bất kỳ một sự đe dọa, mê hoặc nào đó mà quên  rằng chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Chúng ta cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.  Muốn cộng đồng quốc tế ủng hộ thì phải làm sao để  người ta hiểu được. Việc đó nhất thiết phải làm, từ đó tạo khối đoàn kết nhất trí, ủng hộ một cách mạnh mẽ. Nếu như tình hình quốc tế, khu vực, quốc gia có ứng xử hợp lý thì chắc chắn Trung Quốc không thể có được hành động đang xảy ra và sẽ xảy ra nhiều việc làm khác nữa. Tôi rất hoan nghênh việc Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối, gửi công hàm… nhưng tôi nghĩ như thế chưa đủ. 

- Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Việt Nam có thể làm như vậy không, thưa ông?

- Chúng ta hoàn toàn có thể tính đến điều đó. Qua việc này, sẽ giúp dư luận quốc tế hiểu rõ cơ sở pháp lý của vấn đề, và ủng hộ mình. Trung Quốc đang không muốn đàm phán đa phương, không muốn đưa ra các cơ quan tài phán, không để các bên thứ ba can thiệp. Chúng ta có cơ sở pháp lý vậy sao chúng ta không làm? Làm là để bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực, bảo vệ cho chính chúng ta và cho cả uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế. Giờ không còn là thời kỳ mông muội lấy sức mạnh nước lớn đè bẹp nước nhỏ được nữa. Nếu có tranh chấp đúng sai, thì đưa ra tài phán quốc tế để xét xử một cách công bằng. 

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!