Đầu tư xử lý rác thải y tế
(ANTĐ) - Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi ngày, toàn bộ hệ thống y tế trên toàn quốc thải ra 500 tấn rác, trong đó có khoảng 60-70 tấn là rác thải độc hại, phải xử lý. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 số chất thải rắn được đốt bằng lò đốt hiện đại và có thể đảm bảo an toàn môi trường…
Còn nhiều khó khăn trong việc xử lý rác thải y tế |
Số còn lại được tiêu hủy bằng nhiều hình thức như thiêu ngoài trời (15,3%), đốt bằng lò thủ công (13,9%), chôn trong khuôn viên bệnh viện (33,3%) hoặc thải trực tiếp ra bãi rác chung (27,2%). Điều đáng lo ngại là những cách thức tiêu hủy này đều chưa đảm bảo vệ sinh an toàn đối với môi trường xung quanh nơi có đông dân cư sinh sống. Bởi lẽ lượng chất thải mà các bệnh viện thải ra gồm có 3 loại là chất thải rắn, lỏng, khí với các mức độ khác nhau. Trong đó nguy hiểm nhất là các bệnh phẩm gồm các tế bào có dính máu, mủ, dịch, nước lau rửa từ các khoa điều trị, xét nghiệm, phòng mổ, cấp cứu, khoa lây, các chất thải là dụng cụ phục vụ điều trị bệnh như bơm kim tiêm, ống thuốc, dao mổ… Đó là chưa kể đến chất thải hóa học phát sinh từ các dung môi hữu cơ, huyết thanh quá hạn, hóa chất, môi trường nuôi cấy xét nghiệm. Nếu không được xử lý triệt để sẽ là mầm bệnh hết sức nguy hại.
Khảo sát của Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường, Bộ Y tế mới đây cho thấy: Cả nước hiện mới chỉ có gần 200 chiếc lò đốt chuyên dụng (nhiệt độ cao và có 2 buồng). Trong đó có 2 xí nghiệp đốt rác tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, còn lại là các lò đốt rác cỡ trung bình và cỡ nhỏ. Tuy nhiên gần 200 chiếc lò đốt này hiện phải xử lý rác thải y tế cho 435 bệnh viện (chiếm khoảng 40% số bệnh viện). Hơn nữa, các lò đốt rác chủ yếu tập trung ở các bệnh viện tỉnh trở lên và một số bệnh viện tuyến huyện thuộc các thị xã, thành phố.
Còn lại có tới 33% bệnh viện tuyến huyện và tỉnh không có hệ thống lò đốt chuyên dụng, phải xử lý chất thải y tế nguy hại bằng các lò đốt thủ công. Nhiều địa phương không có cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung nên các bệnh viện sau khi phân loại rác y tế và rác sinh hoạt phải tự xử lý. Còn đối với chất thải lỏng y tế được phát sinh từ các hoạt động chuyên môn và sinh hoạt của nhân viên bệnh viên, bệnh nhân và người thăm nuôi, thì có tới 62,3% số bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải. Không những vậy, hệ thống xử lý nước thải của nhiều bệnh viện được thiết kế đã lâu, trên 30 năm, nay đã xuống cấp, công nghệ xử lý chưa đảm bảo được tiêu chuẩn môi trường. Ngoài ra, kinh phí vận hành xử lý hệ thống nước thải bệnh viện cũng khá lớn so với ngân sách được cấp.
Tại Hà Nội, theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, hiện có gần 40 bệnh viên công lập ở Hà Nội vẫn chưa có hệ thống xử lý rác thải y tế. Nhiều bệnh viện không chỉ chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế mà còn chưa có lò đốt chất thải rắn y tế đạt tiêu chuẩn. Trả lời báo chí, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải có sổ nhật ký ghi hoạt động của hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế của đơn vị mình định kỳ. Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra cũng được tiến hành thường xuyên với sự phối hợp của Thanh tra y tế, Thanh tra môi trường, kể cả cơ quan bảo vệ pháp luật là cảnh sát bảo vệ môi trường cũng sẽ vào cuộc nếu như các bệnh viện đã được đầu tư mà vận hành không đúng, không đảm bảo được quy trình xử lý chất thải lỏng y tế thì sẽ bị xử lý.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc quản lý các bệnh viện trong lĩnh vực này rất khó khăn, không ngoại trừ trường hợp có bệnh viện được đầu tư hệ thống chất thải lỏng y tế nhưng vận hành đối phó hoặc vận hành không đảm bảo kỹ thuật. Hiện nay, trong khi chờ được đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng đạt tiêu chuẩn, các bệnh viện ở Hà Nội vẫn phải xử lý tình huống bằng cách thu gom vào bể rồi khử khuẩn bằng CloraminB. Được biết, UBND thành phố đã quyết định đầu tư 80 tỷ đồng để lắp đặt công nghệ xử lý chất thải lỏng y tế cho 16 bệnh viện công lập, dự kiến đến cuối năm 2010 sẽ hoàn thành, số bệnh viện công lập còn lại sẽ được đầu tư trong năm 2011. Quy mô đầu tư dự kiến của từng hệ thống sẽ được căn cứ theo quy mô giường bệnh của từng cơ sở y tế, đảm bảo công suất xử lý chất thải lỏng đáp ứng quy mô giường bệnh của cơ sở y tế tương đương.
Theo thống kê, mức tăng chất thải y tế hiện nay là 7,6%/năm. Dự kiến đến năm 2015, tổng lượng chất thải rắn y tế là 600 tấn/ngày và năm 2020 là 800 tấn/ngày. Lượng chất thải lỏng hiện là 150.000m3/ ngày đêm. Với khối lượng chất thải y tế lớn như vậy, nếu không được xử lý một cách triệt để chắc chắn sẽ tiềm ẩn những nguy cơ với môi trường và cuộc sống hàng ngày.
Duy Minh