Đấu tranh, phòng ngừa tội phạm tháng “củ mật”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời điểm áp Tết và đặc biệt là sau khi giãn cách kết thúc, hoạt động của các loại tội phạm như cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo gia tăng, diễn biến phức tạp. Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), CATP Hà Nội đang cùng công an các quận, huyện, thị xã tập trung cao điểm tấn công, trấn áp loại tội phạm này, bảo đảm bình yên cho nhân dân đón Xuân mới 2022.

Nhận diện những thủ đoạn

Mới đây, CAQ Đống Đa đã phát hiện và bắt giữ 3 đối tượng cướp giật tài sản trên địa bàn thành phố. Ổ nhóm đối tượng này được biết đến là đàn em của Dũng “trọc”, một đối tượng giang hồ cộm cán chuyên cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê…

Ngay sau khi thành phố kết thúc giãn cách xã hội, ngày 29-9-2021, Dương Ngọc Toàn (SN 1988, HKTT: số 13, ngõ 666 Bạch Đằng, phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội; có 2 tiền án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy) đi xe máy không lắp BKS, đến nhà đón Nguyễn Anh Tú (SN 1988, HKTT: 70 Ngô Thị Nhậm, phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội; có 2 tiền án về tội cướp giật tài sản), Trần Mạnh Cường (SN 1986, HKTT: phường Đồng Nhân, Hai Bà Trưng, Hà Nội; có 4 tiền án về tội cướp giật tài sản) để cùng nhau đi lang thang cướp giật.

Mục tiêu mà ổ nhóm này nhắm tới là những người đi đường có đeo dây chuyền vàng. Chỉ trong thời gian ngắn, ổ nhóm này đã gây án ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố, gây lo lắng, bức xúc cho người dân.

Lực lượng CSHS chủ động nắm chắc, dự báo sớm tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống

Lực lượng CSHS chủ động nắm chắc, dự báo sớm tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống

Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về những phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm để người dân nâng cao cảnh giác, Phòng CSHS cũng đẩy mạnh hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ cơ quan, bảo vệ tài sản. Những phương thức thủ đoạn hoạt động công nghệ cao để gây án của các đối tượng cũng được tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức cảnh giác không để các đối tượng lợi dụng gây án.

Mới nhất, cuối tháng 12-2021, CAQ Tây Hồ đã bắt giữ ổ nhóm chuyên trộm cắp vào ban đêm với số lượng lên tới hàng chục xe máy đắt tiền. Các đối tượng gồm: Phạm Khắc Kiên (SN 1978, có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản) và Phạm Văn Hoàng (SN 2000) cùng trú tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng; Phạm Văn Nam (SN 1965, trú tại huyện Thái Thụy, Thái Bình); Nguyễn Đức Quang (SN 1977, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội, có 2 tiền án về tội chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có); Nguyễn Văn Thế (SN 1990, trú tại Quế Võ, Bắc Ninh, có tiền án về tội trộm cắp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có) đã bị CAQ Tây Hồ khởi tố.

Theo điều tra của cơ quan công an, năm 2020, Phạm Khắc Kiên cùng em vợ là Phạm Văn Hoàng thuê nhà trọ ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ để cùng nhau trộm cắp tài sản bán lấy tiền ăn chơi. Khi đêm xuống, Kiên và Hoàng đi xe máy lượn lờ trong địa bàn tìm kiếm những nhà nào sơ hở là phá khóa trộm cắp tài sản. Từ tháng 11-2021 đến khi bị bắt, 2 đối tượng đã trộm cắp hàng chục xe máy.

Một trong những vụ lớn nhất mà các đối tượng thực hiện là đêm 1-11, Kiên và Hoàng phá khóa ngôi nhà trên đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, lấy trộm 6 chiếc xe máy. Đêm 7-11, các đối tượng tiếp tục cuỗm đi 5 xe máy tại ngôi nhà ở phố Từ Hoa, phường Quảng An. Những chiếc xe này bị chúng tháo BKS để tránh nhận diện và sau đó mang bán. Không chỉ xe máy, những tài sản có giá trị khác như tivi, điện thoại… cũng bị chúng “tiện tay” trộm cắp trong quá trình đột nhập.

Nhiều băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp đã bị Phòng CSHS bắt giữ

Nhiều băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp đã bị Phòng CSHS bắt giữ

Biến tướng các chiêu trò

Không chỉ tội phạm cướp, trộm cắp tài sản diễn biến phức tạp, những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà các đối tượng phạm tội thực hiện cũng đang khiến cho người dân lo lắng. Nhiều người dân do thiếu hiểu biết hoặc hám lợi đã bị những đối tượng này cho vào “bẫy lừa”. Đại diện Phòng CSHS, CATP Hà Nội cho biết, phổ biến nhất là những thủ đoạn cho vay tiền qua app (ứng dụng trên điện thoại thông minh), mồi chài, lôi kéo đầu tư tiền ảo, tiền số... Các đối tượng mạo danh các tổ chức tài chính hoặc lập các app như “Mirae Asset”, “Easy Ledger”, “Money App” mồi chài cho vay tiền nhanh chóng, tiện lợi, không hồ sơ, không thế chấp… Sau khi tham gia, nhiều người đã bị chúng dùng đủ chiêu trò để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Khi tiếp cận nạn nhân, các đối tượng hướng dẫn các thủ tục vay tiền thông qua các app theo các bước: Truy cập vào App Store (hoặc CH Play) để tải và cài đặt ứng dụng vay tiền trên điện thoại của bị hại, sau đó đăng ký một tài khoản vay tiền bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân như ảnh chân dung, số CMND, chụp ảnh CMND, số tài khoản ngân hàng và người vay đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn, trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động, cung cấp thông tin của người thân để bảo lãnh gói vay mà bị hại muốn đăng ký. Khi gói vay được phê duyệt, các đối tượng đưa ra nhiều lý do để được giải ngân khoản vay, người vay phải đóng phí…, nếu nạn nhân nghi ngờ thì đối tượng trở mặt đe dọa cho rằng nạn nhân lừa đảo chúng.

Nhiều đối tượng sau khi hướng dẫn cho vay xong đã yêu cầu người vay chuyển tiền vào các tài khoản mà chúng cung cấp. Khi bị hại tin tưởng chuyển tiền xong, các đối tượng lập tức khóa số điện thoại, rút tiền khỏi tài khoản nhằm chiếm đoạt...

Luôn đề cao cảnh giác

Một thủ đoạn tưởng chừng đã cũ nhưng hiện nay vẫn đang tái xuất và phức tạp trở lại đó chính là giả vờ chuyển khoản nhầm, sau đó ép người nhận phải trả tiền lãi suất rất cao. Trước tình trạng này, mới đây Phòng CSHS đã phát đi cảnh báo để người dân nhận diện rõ thủ đoạn của các đối tượng gây án. Theo đó, các đối tượng lừa đảo nhắm vào những người hiền lành và nhẹ dạ cả tin. Chúng cố ý chuyển nhầm một khoản tiền đến tài khoản của họ. Kế đó, đối tượng lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính và gọi điện liên hệ yêu cầu trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với khoản lãi suất lớn.

Mới nhất, chị Nguyễn Thị Hiền ở quận Ba Đình cho biết, chị bất ngờ nhận được hơn 45 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng, nội dung chuyển tiền cũng khá khó hiểu. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, một tài khoản Zalo lạ kết bạn với chị và nói rằng, công ty tài chính đã giải ngân số tiền của chị và theo cách nói của họ thì chị trở thành người vay nợ, khi trả lại tiền sẽ kèm theo một khoản lãi. Tự thấy mình không thực hiện bất cứ thủ tục vay nợ nào trên mạng, chị Hiền đến cơ quan công an trình báo sự việc. Sau khi biết hành vi lừa đảo của mình không thành, đối tượng lập tức nhắn nhiều tin cho chị với nội dung hăm dọa. Chị Hiền cho biết, chị đã thực hiện các thủ tục tra soát với ngân hàng, đồng thời giao toàn bộ số tiền cho cơ quan công an giải quyết.

Chỉ huy Phòng CSHS cho biết, năm 2021 số vụ phạm pháp hình sự đã giảm khá sâu so với năm 2020 với 472 vụ (10,8%). Trong đó tội phạm trộm cắp tài sản giảm 290 vụ, cướp giật tài sản cũng giảm. Tuy nhiên, lợi dụng tình hình dịch bệnh, số vụ án liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản lại tăng 5 vụ, trong năm 2021 xảy ra 228 vụ. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng trên nhiều địa bàn, nhất là sau khi kết thúc giãn cách xã hội, dịp gần Tết và trong thời gian tới diễn biến sẽ càng phức tạp.

Các đối tượng gây án với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, chúng thường rất am hiểu về công nghệ thông tin, lợi dụng triệt để mạng xã hội cũng như sự cả tin, mất cảnh giác của người dân để hoạt động. Cũng theo Phòng CSHS, trong năm 2021 và dịp cuối năm vừa qua, còn xuất hiện thủ đoạn lừa đảo qua các sàn giao dịch vàng bạc, điện tử forex, robimine để chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại với số tiền rất lớn. Dù tội phạm cướp, cướp giật và trộm cắp tài sản trong năm 2021 có giảm so với năm 2020 nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là thời điểm cuối năm.

Đại tá Nguyễn Thế Hùng - Trưởng Phòng CSHS cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc, lực lượng CSHS tiếp tục chủ động nắm chắc, dự báo sớm tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Kịp thời phát hiện những phương thức thủ đoạn mới của tội phạm để tham mưu cho Giám đốc CATP Hà Nội chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả, nhằm kiềm chế, kéo giảm tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội đặc biệt là những hệ, loại, hành vi tội phạm gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về những phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm để người dân nâng cao cảnh giác, Phòng CSHS cũng đẩy mạnh hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ cơ quan, bảo vệ tài sản, đặc biệt là những chi nhánh ngân hàng, các cửa hàng kinh doanh, chế tác vàng bạc, đá quý, những điểm đặt ATM rút tiền, các điểm thu tiền tại các siêu thị, bệnh viện…

Những phương thức thủ đoạn hoạt động công nghệ cao để gây án của các đối tượng cũng được tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức cảnh giác không để các đối tượng lợi dụng gây án. “Chúng tôi đã xây dựng và triển khai kế hoạch bố trí lực lượng tổ chức tuần tra kiểm soát phòng chống tội phạm cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp… đặc biệt là vào ban đêm, tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, khu vực giáp ranh, địa bàn công cộng phức tạp về ANTT, đảm bảo cho nhân dân đón Tết bình yên, hạnh phúc” - chỉ huy Phòng CSHS khẳng định.

Thượng tá Vũ Văn Phúc - Phó trưởng CAQ Nam Từ Liêm: Huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành và quần chúng nhân dân

CAQ Nam Từ Liêm tuần tra đêm đảm bảo ANTT địa bàn

CAQ Nam Từ Liêm tuần tra đêm đảm bảo ANTT địa bàn

Lợi dụng thời gian giãn cách xã hội và cũng là thời điểm áp Tết Nguyên đán, số vụ cướp, cướp giật và trộm cắp tài sản diễn biến phức tạp, chiếm tỷ lệ cao, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Khoảng thời gian nửa đêm đến rạng sáng, lợi dụng sơ hở của người dân, nhiều vụ trộm cắp, đặc biệt là trộm xe máy xảy ra rất nhiều. Qua quá trình làm việc với nhiều bị hại, lực lượng công an nhận thấy nguyên nhân chủ yếu là ý thức lơ là, thiếu cảnh giác của người dân trong việc bảo vệ tài sản.

Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn địa bàn cho nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đồng thời thực hiện Phương án 03 của Bộ Công an, chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp các đội nghiệp vụ và công an 10 phường đồng loạt tổ chức triển khai các tổ tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn vào ban đêm.

Lực lượng tham gia tuần tra, kiểm soát gồm công an, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ… được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, xe mô tô tuần tra thường xuyên, liên tục hàng đêm trên các tuyến đường, các khu vực thường xảy ra các vụ việc phạm pháp hình sự. Với việc huy động, sử dụng đồng bộ các lực lượng và các biện pháp nghiệp vụ nên trong thời gian qua đã phát hiện, ngăn chặn, kiềm chế, không để tội phạm có điều kiện nảy sinh, hình thành trên địa bàn.

Nhằm tăng cường hiệu quả và sức mạnh trong tuần tra, kiểm soát, CAQ Nam Từ Liêm đã huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, Ban chỉ huy Quân sự quận, Đoàn Thanh niên và quần chúng nhân dân có tinh thần tình nguyện tham gia xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mỗi đêm, các đội nghiệp vụ phối hợp với công an các phường cử khoảng 30 cán bộ, chiến sỹ phối hợp với lực lượng tự quản, bảo vệ dân phố tuần tra kiểm soát trên toàn địa bàn quận.

Các tổ tuần tra đêm này có nhiệm vụ rà soát các tuyến đường, đặc biệt các tuyến đường vắng vẻ dễ có điều kiện để các đối tượng lợi dụng phạm tội; các địa bàn công cộng diễn ra các sự kiện trong thời gian cuối năm; địa bàn tập trung nhiều khu đô thị, chung cư, cơ quan doanh nghiệp; tuyến đường liên quận huyện; rà soát, tổng kết các vụ việc xảy ra và rút ra phương thức thủ đoạn hoạt động. Từ đó có chiến thuật phân công tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ, liên thông giữa các tổ công tác, các lực lượng khác nhằm khép kín địa bàn, kịp thời vây bắt các đối tượng khi có vụ việc xảy ra.

Văn Trường (Ghi)

Trung tá Nguyễn Minh Quang - Đội trưởng Đội chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản, Phòng Cảnh sát hình sự:

Công an Hà Nội đấu tranh với đối tượng cướp giật tài sản

Công an Hà Nội đấu tranh với đối tượng cướp giật tài sản

Tội phạm hoạt động trong “tháng củ mật” thường nhằm vào những món đồ gọn, nhẹ, có giá trị lớn, điện thoại di động đắt tiền là một ví dụ bởi loại tài sản này dễ bán, không mất nhiều thời gian tìm kiếm đối tượng tiêu thụ như các loại tài sản khác. Đã có nhiều vụ trộm, cướp tài sản xảy ra mà tội phạm chỉ nhằm những chiếc điện thoại di động đắt tiền, máy tính xách tay, đồ trang sức, túi xách...

Đáng chú ý, “tháng củ mật” cũng là thời điểm hoạt động của tội phạm cướp giật tài sản thường diễn biến phức tạp. Chúng còn nhằm vào sơ hở của những người có giao dịch với ngân hàng, hiệu vàng, quỹ tiết kiệm, cây rút tiền (ATM) để gây án bởi cho rằng, những ngày áp Tết, người dân hay mang nhiều tiền để mua sắm và lợi dụng sơ hở để cướp giật hết sức manh động, liều lĩnh. Thủ đoạn thường sử dụng nhất là chúng sử dụng xe máy bất ngờ áp sát nạn nhân để gây án rồi bỏ chạy gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.

Nhằm đảm bảo an ninh trật tự địa bàn thành phố dịp cuối năm, để mọi người dân yên tâm vui xuân đón Tết, lực lượng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Ban Giám đốc CATP, tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh triệt để với mọi hoạt động của các loại tội phạm hình sự. Đối với hoạt động của tội phạm cướp giật tài sản, Phòng Cảnh sát hình sự thường xuyên phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã, các Tổ công tác 141, 142, lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông để phát hiện, bắt giữ, điều tra xử lý nghiêm. Cùng với đó, công tác phòng ngừa trộm cắp tài sản nhà dân, siêu thị, trung tâm thương mại... cũng được Công an Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng khác phát hiện, kịp thời ngăn chặn các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Để đảm bảo an toàn tài sản của các tổ chức, cá nhân trong “tháng củ mật”, ý thức tự phòng ngừa của người dân và các cơ quan đơn vị là rất quan trọng. Cần kiểm tra và đóng các cửa chính, cửa sổ, cửa thông gió, cửa tum và thường xuyên gia cố, sửa chữa kịp thời các chỗ hư hỏng mà tội phạm có thể lợi dụng để đột nhập. Đội ngũ bảo vệ các siêu thị, trung tâm thương mại, công ty kinh doanh hàng hóa, kho bãi... phải được huấn luyện bài bản, có sức khỏe và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Lực lượng công an cơ sở chủ động phát động người dân tích cực phát hiện, báo ngay cho cơ quan chức năng những biểu hiện hoạt động tội phạm; đẩy mạnh phong trào đấu tranh, tố giác các loại tội phạm trong nhân dân, cùng giúp nhau bảo vệ tài sản, đặc biệt đối với các gia đình đi làm vắng, không có người trông nhà.

Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng bảo vệ phải luôn nêu cao cảnh giác, thường xuyên tuần tra, kiểm soát cả ngày lẫn đêm mục tiêu được giao bảo vệ và coi đó là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động trộm cắp tài sản cũng như các loại tội phạm khác...

Hồng Tuấn (Ghi)

Thượng tá Nguyễn Tuấn Khanh - Phó trưởng CAH Mỹ Đức: Duy trì thường xuyên công tác phối hợp và tuần tra

Mỹ Đức là địa bàn đặc biệt của Hà Nội, giáp ranh với 2 huyện của thành phố và 2 tỉnh Hòa Bình, Hà Nam thông qua rất nhiều sông, hồ và là một trong những điều kiện thuận lợi để các đối tượng phạm tội trốn tránh sự truy lùng của cơ quan chức năng.

Không chỉ ở thời điểm cuối năm “tháng củ mật” mà ngay từ trước đó, khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, thực hiện Nghị quyết Chính phủ về thích ứng linh hoạt, CAH đã có những nhận định, đánh giá tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Cùng thời điểm, Bộ Công an đã có Phương án 03 về tăng cường phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong và sau dịch bệnh Covid-19, nên CAH Mỹ Đức đã xây dựng Kế hoạch 311 thực hiện phương án nói trên. Đây cũng chính là một phần trong việc thực hiện nghiêm túc công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức trong phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm trên địa bàn huyện trong và sau thời gian giãn cách xã hội, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi, dẫn đến hạn chế tối đa các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hoạt động ban đêm trên địa bàn.

Đặc biệt, khi CATP Hà Nội triển khai cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán, CAH Mỹ Đức vẫn duy trì các Tổ công tác 311, giao Đội Cảnh sát hình sự, Đội Cảnh sát giao thông chủ trì, triển khai thực hiện kế hoạch, chủ động nắm tình hình, rà soát các tuyến, địa bàn có biểu hiện phức tạp về an ninh trật tự, đánh giá, dự báo tình hình, thời gian, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Trên cơ sở đó tham mưu cho chỉ huy CAH chỉ đạo các đội nghiệp vụ và công an xã, thị trấn phối hợp thực hiện để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật tài sản xảy ra vào ban đêm. Đội Cảnh sát hình sự đồng thời phối hợp với đội nghiệp vụ, công an xã, thị trấn tiến hành tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát người, phương tiện tham gia giao thông nhằm phát hiện những đối tượng vi phạm pháp luật.

Đối với công an các xã, thị trấn có nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND xã, thị trấn huy động các lực lượng chức năng, ban ngành đoàn thể cùng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phòng chống tội phạm cướp, cướp giật tài sản, tội phạm trộm cắp đột nhập tại trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học, đình chùa, đền, nhà dân... đặc biệt vào ban đêm. Chủ trì xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát theo địa bàn phân công phụ trách đảm bảo khép kín địa bàn. Những kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả của một phương án, một kế hoạch, được Đảng ủy Ban Giám đốc CATP Hà Nội và đặc biệt là người dân tin tưởng ghi nhận.

Yên Hưng (Ghi)