Dấu son trên hành trình nghìn năm
(ANTĐ) - Thời gian đang điểm những thời khắc cuối cùng trên mốc vàng của Hà Nội thiên niên kỷ. Bắt đầu từ sáng nay 1-10, Thủ đô Hà Nội thân yêu bước sang một trang mới trên nền văn hiến nghìn năm. Những cánh cửa 10 ngày đại lễ đang mở ra trước mắt những người có mặt ở Hà Nội trong những ngày mùa thu lịch sử này.
Rực rỡ phố phường Hà Nội Ảnh: PHÚ KHÁNH |
Từ nhiều ngày nay, Hà Nội trầm lặng và cổ kính được khoác lên mình sắc màu rực rỡ nhất của cờ hoa, của hàng triệu ánh đèn lung linh. Suốt dọc tuyến đường từ Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - đường Thanh Niên, cùng nhiều tuyến phố chính luôn rực rỡ sắc màu. Chưa bao giờ, Hà Nội lung linh và rạng rỡ đến thế. Lòng người cũng lâng lâng chộn rộn.
Người người đổ ra đường để hưởng cái không khí của đại lễ, phố xá chật ních, đôi chỗ chen nhau, nhưng không ai mảy may phiền lòng. Muôn lòng người hòa chung một tình yêu Hà Nội. Những người bạn quốc tế, những đoàn nghệ thuật từ nhiều nước trên thế giới, cũng đã vừa kịp tới thành phố nghìn tuổi góp thêm những sắc màu văn hóa thế giới, góp thêm tình hữu nghị của bạn bè khắp năm châu.
8h kém 5 phút sáng nay, cả dàn cồng chiêng, và trống hội sẽ cùng tấu lên những khúc nhạc lễ, đó được coi là thời khắc linh thiêng, giao thoa giữa trời và đất để từ Sân khấu tượng đài Lý Thái Tổ, bừng lên các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong suốt từ nay đến hết ngày 10-10.
Cũng trong buổi mở màn của Đại lễ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố cùng dự lễ dâng hương để tỏ lòng tri ân trời đất, các vị tiên liệt, những người đã có công khai sáng, xây dựng, đã ngã xuống để bảo vệ Thăng Long, để thế hệ hôm nay có quyền tự hào về một thành phố kiêu hùng, bản lĩnh trong những năm tháng khói lửa chiến tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, một thành phố hào hoa, yêu chuộng hòa bình.
Lễ khai mạc còn có sự tham dự đặc biệt của Tổng Giám đốc Tổ chức UNESCO - Irina Bokova để trao tấm bằng công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hoá thế giới cho Hà Nội. Cho đến giờ phút này, mọi việc chỉnh trang Hoàng thành Thăng Long phục vụ nhu cầu đón khách tham quan đã hoàn tất.
Nhiều di vật trong cuộc khai quật khảo cổ học tại Di chỉ 18 Hoàng Diệu sẽ lần đầu tiên ra mắt trong dịp này. Hoàng thành cũng được trang hoàng bằng hàng trăm những cây cảnh gỗ lũa, đá cảnh nghệ thuật. Đồng thời, Ban quản lý di tích Cổ Loa Thành cổ cũng đã xây dựng nhiều phương án nhằm giới thiệu một cách chân xác nhất giá trị của di sản thế giới đến với từng du khách tham quan.
Trung tâm Khí tượng thủy văn dự báo Hà Nội sẽ có mưa trong ngày khai hội. Vì thế, phương án hai đã được xây dựng và phê duyệt. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó GĐ Sở VHTT&DL, trường hợp thời tiết xấu, toàn bộ chương trình sẽ được chuyển địa điểm đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình và sẽ thay thế một số tiết mục bằng một chương trình nghệ thuật hứa hẹn sẽ thật đặc sắc. Đề phòng là thế, nhưng cả triệu người dân Hà Nội vẫn cứ tin rằng, sáng ngày 1-10 và trong suốt những ngày diễn ra Đại lễ, thời tiết Hà Nội sẽ đẹp hơn bao giờ hết.
Quỳnh Vân