Dấu kiểm dịch cũng chưa yên tâm

ANTĐ - Truyền thông liên tục đề cập vấn đề cúm gia cầm, ăn chín, uống sôi, không mua gia cầm không rõ nguồn gốc, bởi vậy chị Đinh Thúy Hạnh rất đắn đo trước hàng gà tại chợ Nghĩa Tân. 

- Chị muốn mua gà mà sao cứ nâng lên đặt xuống mãi thế?

- Dạo này đâu cũng thấy nói về cúm gia cầm, nhất là vừa lại có thêm 1 người nữa bị nhiễm cúm A/H5N1 vì sử dụng gia cầm mắc bệnh, nên tôi thấy lo lắm, cứ cân nhắc mãi mà chưa quyết định mua hay không.

- Nếu thấy không đảm bảo thì chị chuyển thức ăn khác!

- Hơn hai tuần nay rồi chưa dám ăn thịt gà, kể từ khi báo chí nói về dịch bùng phát. Nay thấy mình đi chợ, đứa con lớn bảo, mẹ mua thịt gà về ăn. Khổ nỗi, đứa con lớn lại thích thịt gà, thịt lợn nó hầu như không ăn, bây giờ không biết xử lý ra sao.

- Chị tìm mua ở những hàng đã đăng ký, có dấu kiểm dịch, sẽ an toàn hơn.

- Thì mình có dám mua ở những hàng trôi nổi đâu, phải vào trong chợ để mua đây. Như con gà này, có dấu kiểm dịch thú y đóng dấu, nhưng mà vẫn thấy không yên tâm. Ai  biết, các ông bà thú y kiểm dịch ra sao. Mà tôi được biết, muốn xác định gia cầm có mang virus H5N1 hay không phải xét nghiệm mẫu máu, mẫu thịt, chứ nhìn bằng cảm quan thế này, sao mà biết được.

- Như chị nói thì kiểm dịch có cũng như không!

- Dù sao có kiểm dịch cũng thêm phần tin tưởng hơn là những hàng bán trôi nổi, không kiểm soát ở đầu đường, góc chợ. Song, dường như, kiểm dịch bây giờ cũng chỉ chiếu lệ, cứ đóng cái dấu kiểm dịch coi như đã là an toàn. Cán bộ thú y thì chỉ đến thu tiền vệ sinh thú y, là xem như đã kiểm tra hàng hóa.

- Theo chị thì phải làm sao mới kiểm soát được?

- Phải làm từ gốc. Ví dụ, tôi mua con gà này về ăn thì tôi phải được biết nó được nuôi ở trang trại nào, ở đâu, cho ăn bằng thức ăn gì…, nếu thấy nghi ngờ, người tiêu dùng có thể gọi điện để kiểm tra. Có chuyện gì xảy ra, còn biết nguyên nhân từ đâu và vì sao, và cũng có người chịu trách nhiệm. Làm như vậy, người tiêu dùng mới thấy yên tâm.