Dấu hiệu nhận biết nghiện game, Internet và liệu pháp can thiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sử dụng Internet, game online để làm việc, học tập hay giải trí là nhu cầu mạnh mẽ của mọi người. Tuy nhiên, thực tế rất khó nhận ra đâu là giới hạn của giải trí và đâu là ngưỡng của nghiện Internet.

Những biểu hiện ban đầu

Trả lời báo chí về vấn đề này, TS.BS Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng Sử dụng chất và y học hành vi (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, căn cứ đầu tiên là phải chú ý đến thời lượng chơi game/Internet hàng ngày. Thời gian sử dụng không quá 2 tiếng/ngày nghỉ và 1 tiếng/ngày bình thường, không tính thời gian dùng Internet vào làm việc hoặc học tập. Thứ hai là các biểu hiện ra bên ngoài của trẻ sử dụng Internet nhiều giờ, cần quan sát sở thích, hứng thú của các bạn bị ảnh hưởng ra sao, chẳng hạn kết quả học tập, làm việc sụt giảm, hạn chế các mối quan hệ xã hội ngoài đời… Thứ ba là biểu hiện nếu một vài ngày không được chơi game, không được vào mạng thì cảm thấy rất khó chịu, lo lắng, cáu kỉnh, buồn chán, bồn chồn, bất an…

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân rối loạn tâm thần do nghiện game online tại Bệnh viện Bạch Mai

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân rối loạn tâm thần do nghiện game online tại Bệnh viện Bạch Mai

Các liệu pháp điều trị

Về việc điều trị nghiện game/Internet hiện nay, tại Viện Sức khỏe Tâm thần các bác sĩ sẽ dùng liệu pháp hành vi, liệu pháp tâm lý và điện trị liệu giúp cải thiện tâm lý và hành vi của bệnh nhân bên cạnh việc sử dụng thuốc. TS. BS Lê Thị Thu Hà cho biết, hiện có một vài loại thuốc có vai trò trong điều trị nghiện game và cũng có thể điều trị các rối loạn kèm theo như trầm cảm, lo âu, hoặc rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, còn có liệu pháp kích thích từ xuyên sọ để điều trị…

Theo bác sĩ Hà, thông thường các bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn và gặp các vấn đề rối loạn đồng diễn (cùng một lúc có nhiều vấn đề như nghiện game kèm theo các rối loạn giấc ngủ, các vấn đề sức khỏe cơ thể…) nên thường phải phối hợp nhiều biện pháp điều trị. Dù vậy, ở nhiều trường hợp vẫn chủ yếu là dùng liệu pháp tâm lý. Việc áp dụng liệu pháp tâm lý cần thời gian dài hơn, thường phải từ 1 năm trở lên. Vấn đề là hầu như các gia đình và người bệnh chỉ phối hợp trong khoảng một vài tháng, do đó tỷ lệ tái nghiện game/Internet cũng rất cao.

Khuyến cáo phòng ngừa

Để phòng ngừa hậu quả khi trẻ bị rơi vào tình trạng nghiện Internet, nghiện game, TS. BS Lê Thị Thu Hà khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần kiểm soát thời gian sử dụng Internet, chơi game của trẻ (không chơi quá 2 tiếng/ngày nghỉ và 1 tiếng/ngày bình thường). Cùng đó, cân đối thời gian và địa điểm chơi của con, cố gắng cho con chơi ở các địa điểm chơi ngoài trời nhiều hơn. Mặt khác, chính các bậc phụ huynh cũng cần phải làm gương, vì thực tế nhiều người lớn khi đi làm về cũng sử dụng điện thoại, máy tính để lướt mạng giải trí, chơi game. Ngoài ra, nếu con trẻ sa đà vào thế giới ảo trên mạng, gia đình nên chú ý động viên con, hỗ trợ, tư vấn để con thoát khỏi được thế giới ảo đó.

Một thực tế nữa là hiện nay giáo viên thường xuyên giao bài tập cho học sinh qua mạng như các nhóm Zalo, Facebook, học sinh vẫn phải làm bài tập qua mạng, vậy làm thế nào để kiểm soát được việc sử dụng Internet của trẻ? Trả lời câu hỏi này, ThS.BS Đặng Thị Hải Yến - Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, việc thầy cô giáo bài tập trực tuyến khiến các con sử dụng thiết bị điện tử là không tránh khỏi. Do đó, các bậc phụ huynh cần trao đổi với con thời gian nào được phép sử dụng máy tính, có thể liên hệ với nhà trường để biết được thời gian biểu giúp bố mẹ kiểm soát con trên các kênh học tập với nhà trường. Mặt khác, các bậc phụ huynh cũng không thể kiểm soát cả ngày nên cần chủ động hạn chế một số trang web tiêu cực để trẻ không truy cập.