Đau đầu với đề xuất tăng giá

ANTĐ - Các nhà phân phối đã gửi đề nghị tăng giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đến các siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Khách vắng, hàng bán chậm, lại thêm áp lực tăng giá bán khiến các siêu thị loay hoay cân nhắc.

Các siêu thị tính toán để có mức giá hợp lý. (Ảnh minh họa)

Không tăng không được!

Lãnh đạo một siêu thị lớn ở Hà Nội đã chia sẻ như vậy khi được hỏi về việc siêu thị đã nhận được đề xuất tăng giá bán hàng chưa. Theo lãnh đạo này, sau đợt tăng giá xăng dầu ngày 17-7, hàng loạt các đề xuất tăng giá bán lẻ đã được gửi tới. Lý do điều chỉnh giá bán là do tác động của đợt tăng giá xăng dầu lần thứ ba liên tiếp trong vòng hơn một tháng, đưa giá xăng dầu lên kỷ lục mới, khiến chi phí sản xuất, vận chuyển đều nhích lên. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nhập khẩu như: sữa, bánh kẹo, hàng tiêu dùng lại tăng giá do tỷ giá đã được điều chỉnh gần đây.

Đợt tăng giá này tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: dầu ăn, bánh kẹo, bơ sữa, nước giải khát, hóa mỹ phẩm và hàng may mặc, đồ dùng gia đình. Điều đó đồng nghĩa với việc tác động tăng giá sẽ trên diện rộng, làm ảnh hưởng tới đông đảo người tiêu dùng. Đây cũng chính là vấn đề doanh nghiệp lo ngại, bởi vì sức mua trên thực tế chưa được cải thiện nhiều trong thời gian qua. Đây là mức tăng thấp so với cùng kỳ những năm gần đây. Nếu tăng giá nữa, hàng thiết yếu buộc người dân phải dùng nhưng có thể, nhiều khách hàng sẽ chuyển hướng sang dùng hàng bình dân, hàng chợ với mức giá thấp hơn, chất lượng không đảm bảo. Khi ấy, siêu thị sẽ mất khách. Ngược lại, nếu không tăng giá, siêu thị có nguy cơ bị bỏ trống gian hàng do sức ép từ nhà phân phối. 

Chỉ nên tăng 2-3%

Theo tìm hiểu của PV ANTĐ, hiện tại, một số nhà phân phối đã có đề xuất tăng giá mặt hàng dầu ăn, đường, bánh kẹo từ 5-10%; bơ sữa đông lạnh, nước giải khát từ 10-20%; đồ dùng gia đình, hóa phẩm, may mặc từ 3-5%... Tuy nhiên, các siêu thị chưa chấp thuận ngay đề nghị này mà còn muốn tiếp tục đàm phán để có mức giá “phải chăng” hơn. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị thành phố Hà Nội cho rằng: “Chỉ nên tăng giá ở mức 2-3% vì tăng hơn nữa, hàng không thể bán được. Chúng tôi sẽ làm việc với các nhà phân phối để xem tăng bao nhiêu là hợp lý”. 

Có một thực tế là hiện nay, các siêu thị lớn của nhà đầu tư nước ngoài như: Metro, Big C... đàm phán với nhà phân phối dễ hơn so với các siêu thị trong nước. Nguyên nhân là do với mỗi mặt hàng, họ có nhiều nhà cung ứng để lựa chọn. Bên cạnh đó, số lượng mặt hàng của các siêu thị này cực lớn, không lo để trống kệ hàng nếu chưa đàm phán được với nhà cung ứng một vài mặt hàng. Ngược lại, các siêu thị trong nước lại bị nhà phân phối gây sức ép, nguồn cung chưa dồi dào, không nhập hàng không được. 

“Với lần đề xuất tăng giá này, chúng tôi sẽ tổ chức đại diện các siêu thị gặp nhà phân phối để cùng nhau liên kết, đưa ra mức giá hợp lý. Không thể để siêu thị đàm phán riêng lẻ vì có thể không đem lại kết quả mong muốn. Mặt khác, siêu thị sẽ tìm đối trọng sản xuất, tìm các mặt hàng mới thay thế để giữ chân khách”- ông Vũ Vinh Phú nói.