Dấu ấn của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau nhiệm kỳ 2023-2025 hiện nay, Việt Nam sẽ tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028 nhằm tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy đoàn kết quốc tế và phát triển bao trùm, bền vững.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên họp cấp cao khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên họp cấp cao khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Dấu ấn đậm nét của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền

Phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra ngày 26-2 tại Geneva (Thụy Sĩ), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam sẽ tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam, thành viên đã có những đóng góp tích cực và để lại những dấu ấn đậm nét trong năm đầu tiên đảm nhiệm nhiệm vụ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việc người đứng đầu cơ quan ngoại giao nước ta thông báo Việt Nam tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ tới vào thời điểm chúng ta vừa trải qua năm đầu tiên thành công trong nhiệm kỳ 3 năm

2023-2025 làm thành viên của tổ chức này. Trong năm 2023 ghi nhận nhiều dấu ấn trong bức tranh toàn cảnh của đối ngoại Việt Nam, chúng ta đã có những đóng góp và sáng kiến trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại cả 3 khóa họp thường kỳ lần thứ 52, 53 và 54.

Trong đó, nổi bật là việc Việt Nam đã có 6 sáng kiến nổi bật tại cả 3 Khóa họp thường kỳ của Hội đồng Nhân quyền, nhận được sự tham gia ủng hộ, đồng bảo trợ của đông đảo các nước, tổ chức quốc tế. Những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao. Đặc biệt, tại Khóa họp thứ 52, Nghị quyết Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna do Việt Nam đề xuất, soạn thảo đã được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận, với 121 nước đồng bảo trợ. Nghị quyết này là dấu ấn quan trọng của Hội đồng Nhân quyền, tạo cơ sở cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm của Hội đồng Nhân quyền xuyên suốt trong năm 2023 ở các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, tại Khóa họp 53 hồi giữa năm 2023, Việt Nam đã cùng Nhóm nòng cốt (gồm có Việt Nam, Philippines và Bangladesh) soạn thảo và thương lượng Nghị quyết hàng năm về biến đổi khí hậu và Quyền con người, tập trung vào chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sinh kế và ảnh hưởng của những tác động này đối với quyền con người.” Đó là nghị quyết có tính thời sự cao, đã được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận với 80 nước đồng bảo trợ.

Ngoài ra, tại Khóa họp 54 Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam triển khai 2 sáng kiến thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng, bao gồm Phát biểu chung và Tọa đàm quốc tế về “Thúc đẩy Quyền con người được tiêm chủng”. Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva, bên cạnh hàng loạt phát biểu quốc gia, phát biểu chung ASEAN và các nhóm đồng quan điểm, cũng như tham vấn mang tính xây dựng, những hoạt động cụ thể nêu trên nằm trong chuỗi các sáng kiến và đóng góp thiết thực của Việt Nam với tư cách thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, góp phần giới thiệu những thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy, bảo đảm quyền con người, đồng thời đóng góp tích cực vào công việc của Hội đồng Nhân quyềntrong những vấn đề thuộc quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Tiếp tục những nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong khuôn khổ Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk đã chúc mừng Việt Nam đã có năm đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền trong nhiệm kỳ 2023-2025 vô cùng thành công và cảm ơn Việt Nam đã đưa ra những cam kết ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế. Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Việt Nam đối với Văn phòng Cao ủy và mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác hai bên.

Cùng với việc tích cực và có những đóng góp hiệu quả trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam trong năm qua cũng đã nỗ lực và đạt được thành tựu đáng khích lệ trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%, đồng thời tiếp tục dành trung bình hàng năm khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho bảo đảm an sinh xã hội.

Tại Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng tái khẳng định các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, tại Phiên họp cấp cao Khóa 56 vào tháng 6 tới, Việt Nam sẽ đề xuất nghị quyết hàng năm về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bộ trưởng chia sẻ Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, trong đó đã thực hiện hoàn toàn gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019. Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, sau hơn 75 năm thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, 30 năm thông qua Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna về quyền con người, nhân loại vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước và nhiều bất công xã hội khác. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, các quyền con người chỉ có thể được bảo đảm tốt nhất khi hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế được duy trì và tôn trọng, Nhà nước đặt người dân vào trung tâm mọi chính sách và bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững. Bộ trưởng nêu rõ Hội đồng Nhân quyền cần tập trung thúc đẩy các ưu tiên cao nhất đối với người dân là việc thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền phát triển và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Hội đồng Nhân quyền quan tâm thúc đẩy thực thi Nghị quyết 52/19 do Việt Nam chủ trì đề xuất, nhất là kêu gọi các quốc gia thúc đẩy tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, khoan dung, bao trùm, thống nhất và trân trọng sự khác biệt, đối thoại, hợp tác. Nhằm tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn vì thế tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028.