- Dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
- Dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và các thành viên Đoàn Việt Nam tại phiên họp Khóa 54 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc |
Tham gia tích cực vào khóa họp 54 Hội đồng Nhân quyền
Sau 5 tuần họp liên tiếp, Khóa họp 54 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã kết thúc, khép lại 3 khóa họp thường kỳ và nhiều hoạt động của cơ quan này trong năm 2023. Khóa họp đã thông qua 37 nghị quyết; tiến hành 5 phiên thảo luận chuyên đề về các biện pháp cưỡng chế đơn phương và nhân quyền, lồng ghép bình đẳng giới trong công tác của Hội đồng Nhân quyền, quyền của người bản địa, thanh niên và quyền con người, bắt nạt trẻ em trên không gian mạng…
Đoàn Việt Nam do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva dẫn đầu đã tích cực tham dự khóa họp. Đoàn đã tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với các đoàn của các nước, tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, đồng bảo trợ nhiều sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác, thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của Hội đồng Nhân quyền phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Cụ thể, Việt Nam đã chủ trì xây dựng và trình bày phát biểu chung về thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng, đồng thời phối hợp với Brazil và Gavi - Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng chủ trì Tọa đàm quốc tế về thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã cùng Ấn Độ đồng bảo trợ và tổ chức tọa đàm quốc tế về “75 năm Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế và 30 năm Chương trình hành động Vienna: Triển khai quyền phát triển nhằm bảo đảm quyền con người và Chương trình nghị sự 2030”, tiếp nối sáng kiến của Việt Nam hồi tháng 2 năm nay về Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền về kỷ niệm hai văn kiện quốc tế quan trọng nêu trên.
Đặc biệt, trong thúc đẩy và bảo vệ quyền kinh tế, xã hội và văn hóa trong bối cảnh giải quyết bất bình đằng trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nêu rõ chủ trương về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của mọi người dân; giới thiệu những biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, giảm bớt gánh nặng tài chính do đại dịch Covid-19 gây ra đối với nhóm dễ bị tổn thương.
Đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh cần thúc đẩy các sáng kiến và hành động ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế trong giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực của các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, vốn đang đe dọa đến việc thụ hưởng quyền con người của người dân trên khắp thế giới, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương cũng như khả năng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; khẳng định cần phải giải quyết những chia rẽ, khác biệt về chính trị và thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin, bao gồm thông qua hoạt động của Hội đồng Nhân quyền để đảm bảo người dân trên toàn thế giới được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người.
Quyết tâm gánh vác các trọng trách quốc tế
Hội đồng Nhân quyền được thành lập năm 2006, là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc. Hội đồng Nhân quyền là cơ quan liên chính phủ, gồm 47 nước thành viên, đại diện cân bằng theo 5 khu vực địa lý trên thế giới. Với uy tín và trách nhiệm, Việt Nam đã 2 lần được bầu là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2014-2016 và nhiệm kỳ 2023-2025.
Hành trang của Việt Nam đến với Hội đồng Nhân quyền là lịch sử hào hùng của dân tộc, những thành tựu đáng tự hào trong Đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, là chủ trương luôn đặt con người ở vị trí trung tâm trong quá trình phát triển. Vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 và bất ổn kinh tế thế giới, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 hơn 8,02%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt hơn 92% dân số. Việt Nam nằm trong nhóm các nước đứng đầu khu vực và thế giới về phụ nữ tham chính với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trên 30%. Dù đang là nước có thu nhập trung bình thấp, song Việt Nam nằm trong Nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người (HDI) cao, tăng 5 bậc trong giai đoạn 2015-2021.
Cùng với đó là quyết tâm của Việt Nam gánh vác các trọng trách quốc tế trên cơ sở đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Để bảo đảm quyền con người cho tất cả mọi người, trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã chủ động nêu những chủ trương lớn, những nguyên tắc nhằm bảo đảm việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ nhất, mỗi quốc gia, từng khu vực có thể có cách tiếp cận khác nhau do những đặc thù riêng về lịch sử, hệ thống chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù đó để cùng tìm ra mẫu số chung, thay vì chính trị hóa, áp đặt, can thiệp.
Thứ hai, không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết những vấn đề toàn cầu ngày nay. Đối thoại và hợp tác trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc chính là phương cách tốt nhất để tìm kiếm tiếng nói chung, xác định ưu tiên, chia sẻ nguồn lực, cùng hiện thực hóa những mục tiêu đề ra trong Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các cam kết liên quan đến đối phó với biến đổi khí hậu, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Thứ ba, quyền con người mang tính phổ quát và có mối liên hệ mật thiết qua lại, tạo nên chỉnh thể thống nhất, đòi hỏi cần có cách tiếp cận tổng thể. Cần chú trọng bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền thiết thân, cơ bản nhất như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền được tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm, chống phân biệt đối xử, thúc đẩy công bằng xã hội.
Thứ tư, Hội đồng Nhân quyền cần khẳng định vai trò trung tâm trong thúc đẩy đối thoại trên tinh thần xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia, trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Một Hội đồng Nhân quyền hoạt động hiệu quả, tích cực, khách quan, hòa hợp trong đa dạng, không chính trị hóa, không chia rẽ sẽ là hạt nhân kết nối cộng đồng quốc tế.
Những nỗ lực của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã được thế giới ghi nhận. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bởi Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên hợp quốc, đã, đang và sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho công việc chung của Liên hợp quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển trên thế giới. Trong khi đó, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama khẳng định: “Việt Nam thực sự xứng đáng vào Hội đồng Nhân quyền vì hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Việt Nam đã nỗ lực không mệt mỏi để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.