Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII:

Đánh giá tình hình phòng chống tội phạm

ANTĐ - Chiều 25-10, Quốc hội đã nghe Báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDTC; Báo cáo về công tác thi hành án và công tác đặc xá.

Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày

trước Quốc hội Báo cáo về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Trần Đại Quang đã trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Theo đó, Chính phủ khẳng định, thời gian qua, đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng cường quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh - trật tự, tập trung khắc phục sơ hở, thiếu sót trong phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Lực lượng công an tăng cường phòng ngừa, mở nhiều đợt cao điểm tấn công tội phạm, bảo vệ an toàn tuyệt đối Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử Quốc hội khóa XIII, đấu tranh làm giảm nhiều loại tội phạm, nâng cao chất lượng, tỷ lệ điều tra vụ án, góp phần tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều loại tội phạm được kiềm chế, công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ được nâng cao…

Chính phủ cũng cho rằng, về khách quan, tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp một phần liên quan đến tình hình thế giới, trong đó có tác động hậu suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp phá sản. Cùng với đó là tác động mặt trái kinh tế thị trường, phân tầng xã hội, lối sống thực dụng, đạo đức xuống cấp, tác động văn hóa phẩm đồi trụy, trò chơi bạo lực, Internet... Về ùn tắc, tai nạn giao thông, Chính phủ nhìn nhận, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng hiện vẫn còn bất cập. Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn chưa giảm do phương tiện tăng mạnh trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được.

Chính phủ dự báo, năm 2012, vẫn còn nhiều yếu tố khách quan bất lợi tác động đến tình hình tội phạm ở nước ta, do đó vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp. Để giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đề nghị tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp lớn. Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi một số quy định trong Bộ luật Hình sự như việc kiến nghị tăng hình phạt tội phạm chống người thi hành công vụ. Đây là loại tội phạm gây bức xúc dư luận, có xu hướng gia tăng nhưng hình phạt quy định trong Bộ luật Hình sự còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hôm nay, 26-10, QH tiếp tục dành trọn vẹn một ngày làm việc để thảo luận tại hội trường về các báo cáo nêu trên, kết hợp thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo. Tại hội trường, nhiều ĐBQH quan tâm việc bổ sung hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax và tố cáo bằng lời qua điện thoại, bên cạnh việc tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng đơn thư. Ủy ban Pháp luật cho biết, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định tố cáo bằng hình thức này trong luật mà tiếp tục duy trì 2 hình thức là tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng đơn thư như trong Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành. Dù vậy, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phân tích, nếu không công nhận các hình thức trên, vậy một số cơ quan, đơn vị, bệnh viện thậm chí là xe buýt sao vẫn có đường dây nóng? Nếu không quy định rõ về việc này thì vô hình trung phủ nhận các hình thức tố cáo đang tồn tại.

Một vấn đề quan trọng khác được bàn luận nhiều là việc bảo vệ người tố cáo. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu vấn đề: “Hầu hết những người được vinh danh vì có thành tích chống tham nhũng đều nói từng bị trù dập, đe dọa. Do đó, có thể thấy, người tố cáo dù là ai, đều cần được bảo vệ”. Nhiều ĐB cho rằng, quy định về việc bảo vệ người tố cáo trong dự luật còn chung chung, chưa sát thực tế. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đánh giá, ý tưởng hay song thực tế khó khả thi. ĐB Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn: “Dự luật quy định, phải bố trí đủ lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn cho người tố cáo ở địa phương. Nếu làm được như thế thì rất tốt, nhưng trong thực tế việc quy định như thế này rất khó có thể khả thi được”.