Đánh chặn quyết liệt, "tín dụng đen" không còn đất hoành hành

ANTD.VN - Sau hơn 1 năm thực hiện Kế hoạch số 231, CATP Hà Nội đã góp phần chặn đứng mọi điều kiện phát sinh, hình thành tội phạm liên quan đến đòi nợ thuê, tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Theo đánh giá, tính tiên phong của Kế hoạch 231 là đã nhìn nhận rõ sự phức tạp, những tiềm ẩn - mầm mống tội phạm, khởi phát từ những giao dịch chấp chới giữa hình sự và dân sự. “231” đã và đang cùng toàn lực lượng Công an Hà Nội đánh chặn, kéo giảm “nguồn” phát sinh tội phạm.

Đánh chặn quyết liệt, "tín dụng đen" không còn đất hoành hành ảnh 1Lực lượng Công an cơ sở nắm bắt, kiểm soát chặt hoạt động các cửa hiệu kinh doanh cầm đồ

Ám ảnh “đòi tiền”

Khoảng tháng 12-2016, qua người quen giới thiệu, bà Nguyễn (57 tuổi) trú tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm vay số tiền 8 triệu đồng của người tên là Trung. Vì quá cần tiền nên khi ấy, bà Nguyễn buộc phải chấp nhận thỏa thuận sẽ phải trả thành 10 triệu đồng và trong vòng 50 ngày, mỗi ngày sẽ thanh toán 200.000 đồng cho chủ nợ. Trung không trực tiếp ra mặt, mà giao cho “nhân viên” hàng ngày đến thu tiền của bà Nguyễn.

Tính đến tháng 1-2017, bà Nguyễn đã trả được khoảng 6 triệu đồng, rồi có việc phải về quê. Cho rằng “con nợ” định “bùng”, nhóm chủ nợ xua quân đi truy lùng, đòi tiền. Một ngày khi mới từ quê ra và bán hàng trở lại, bà Nguyễn bị một nhóm thanh niên bặm trợn đánh “hội đồng” cùng lời dặn: “Sớm trả tiền cho anh Trung”. Bẵng đi mấy hôm sau, bà Nguyễn vừa mở cửa hàng thì nhóm đối tượng lần trước xuất hiện. Cuộc “nói chuyện” hết sức manh động hôm ấy kết thúc bằng việc bà Nguyễn nhập viện trong tình trạng gãy 5 chiếc xương sườn. Số tiền 1,7 triệu đồng trong túi cũng bị đám côn đồ lấy mất.

Kiên trì, ròng rã nhiều tháng trời truy xét nhóm đối tượng cho vay, hành hung và cướp tiền của bà Nguyễn, CAQ Hoàn Kiếm phối hợp cùng phòng nghiệp vụ CATP đã xác minh, lần lượt bắt giữ trọn ổ nhóm. Các đối tượng này đặt “tổng hành dinh” tại một căn nhà không treo biển hiệu trên phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng và hoạt động “kinh doanh tài chính”.

Cho đến khi bị bắt, CQĐT xác định chúng đã gây ra 1 vụ hành hung khác, cướp hơn 1 triệu đồng của 1 phụ nữ ở quận Hà Đông; đồng thời liên quan đến 13 lần ném chất bẩn vào nhà dân trên nhiều địa bàn, nhằm mục đích bắt ép “con nợ” hoặc người thân của họ trả tiền.

Một trường hợp cám cảnh khác may mắn được lực lượng Công an giải nguy, là ông Trần (51 tuổi, trú ở phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội). Trong một buổi rời ngân hàng với tâm trạng chán chường vì chưa vay được tiền, ông Trần lững thững đi ngang qua phố Kim Hoa (phường Phương Liên, Đống Đa), và đọc được thông tin… dán ở cột điện về dịch vụ cho vay tiền “siêu nhanh, siêu thuận tiện”. Liên hệ theo số điện thoại in trên tờ rơi, ông Trần được người cho vay là Nguyễn Hữu Tuấn (SN 1981), trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, cử “cán bộ” đến gặp, xác minh địa chỉ, rồi cho vay 4 triệu đồng. 

Khi giao dịch vay mượn tiền, phía Tuấn yêu cầu ông Trần phải trả cả vốn lẫn lãi là 6 triệu đồng trong 40 ngày, mỗi ngày 150.000 đồng. Nghe có vẻ đơn giản, ông Trần gật đầu, nhưng ngay khi nhận tiền từ nhân viên giao dịch của Tuấn, số tiền thực nhận chỉ là 3,35 triệu đồng, với lý do cắt lại 500.000 đồng tiền xăng xe và 150.000 đồng tiền lãi ngày đầu tiên.

Giao dịch giữa ông Trần và nhóm Tuấn tiến hành được hơn 10 ngày thì dừng lại, bởi ông Trần không còn khả năng thanh toán. Thúc giục trực tiếp thấy chưa hiệu quả, nhóm chủ nợ bắt đầu tìm đến con trai của ông Trần. Tiếp theo đó là vở kịch uy hiếp cả nhà “con nợ”, bằng hỗn hợp mắm tôm trộn dầu luyn. Đỉnh điểm, ông Trần bị trận đòn hội đồng của đám cho vay tiền. Quá trình điều tra, bắt giữ các đối tượng, CAQ Đống Đa làm rõ ông Trần chỉ là 1 trong 10 “khổ chủ” của nhóm Nguyễn Hữu Tuấn.

Nhận diện điều kiện hình thành tội phạm

Cho vay tiền rồi dùng mọi phương thức, thủ đoạn để đòi nợ là hiện tượng “nóng” không riêng địa bàn Hà Nội. Điều phức tạp ở chỗ, vi phạm, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” rất dễ phát sinh nhiều loại tội phạm, hành vi phạm pháp khác. Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) chia sẻ, một thời gian, CSHS và Công an các địa bàn luôn canh cánh trước hiện tượng nhức nhối, là  các đối tượng đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân để đe dọa, buộc phải trả tiền. Có trường hợp còn gửi quan tài, vòng hoa, dán cáo phó… gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ.

Hoạt động “tín dụng đen” cơ bản hình thành từ việc các đối tượng lợi dụng sự khó khăn của một số người dân; hay đối tượng ham chơi, lười làm, dính líu đến các loại tệ nạn xã hội để mời chào cho vay tiền với các thủ tục đơn giản. Tùy theo số lượng, thời gian vay, các đối tượng trừ ngay một khoản tiền lãi trước, sau đó thu theo ngày với lãi suất “cắt cổ”. Vì một lý do nào đó, người vay tiền không thanh toán đúng hạn, các đối tượng yêu cầu trả lãi như khi vay ban đầu. Bằng thủ đoạn trên, nhiều người vay tiền đã phải trả số tiền cả gốc và lãi lớn gấp nhiều lần số tiền vay ban đầu.

Sau khi rơi vào “bẫy” tín dụng của các đối tượng, nhiều người không có khả năng chi trả, hàng ngày bị các đối tượng thúc ép, đe dọa trả nợ nên sợ hãi, bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Các đối tượng lập tức chuyển hướng tìm đến người thân như bố, mẹ, vợ, chồng… đe dọa, đổ chất thải, chất bẩn vào nhà và dùng nhiều thủ đoạn khác như gây thương tích, hủy hoại tài sản để ép phải trả nợ thay. Điều đáng nói, hành vi phạm tội của đối tượng ít khi bị nạn nhân - người vay tiền - trình báo, tố cáo tới cơ quan chức năng. Họ sợ bị trả thù, sợ bị liên lụy đến pháp luật. Trong khi với lực lượng thực thi pháp luật, càng sớm nắm bắt được dấu hiệu vi phạm, công tác đấu tranh, phòng ngừa sẽ càng đạt hiệu quả.

Ra đời kịp thời, triển khai hiệu quả

Tháng 8-2016, CATP Hà Nội chính thức triển khai Kế hoạch số 231 về tổ chức điều tra cơ bản công tác quản lý về ANTT và phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, cá nhân kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính trên địa bàn TP Hà Nội. Kế hoạch 231 được đánh giá “rất kịp thời trong bối cảnh hoạt động cho vay lãi, đòi nợ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn phát sinh nhiều loại tội phạm khác”.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, Phòng CSHS làm chủ công, phối hợp với Công an quận, huyện, thị xã đã “rà”, “dựng” chi tiết các đối tượng, ổ nhóm, cơ sở kinh doanh tài chính chuyên cho vay tiền theo kiểu “tín dụng đen”; các hiệu cầm đồ, các cơ sở không có giấy phép hoạt động. Kế hoạch 231 đã phân công, phân cấp rõ trách nhiệm, địa bàn của các đơn vị từ phòng nghiệp vụ đến Công an các quận, huyện, thị xã, phường, đồn, trạm... trong việc quản lý, phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm tín dụng đen.

Trong hơn 1 năm triển khai thực hiện, cùng với việc đánh giá, nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời các biện pháp, phương pháp đấu tranh, phòng ngừa, Kế hoạch 231 đã nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền cơ sở cũng như các ban, ngành chức năng. Lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cán bộ cơ sở tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân cảnh giác với việc cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, khi xảy ra các vụ việc bị đòi nợ như đe dọa, đổ chất bẩn, chất thải, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, người dân báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời xử lý.

Giám đốc CATP xác định rõ với Công an cơ sở, nhất là lực lượng CSHS, phải tiếp nhận và nhanh chóng có đối sách quyết liệt trước những tin, đơn trình báo của người dân về việc bị đòi nợ trái pháp luật… Những vụ việc đổ chất bẩn, chất thải còn đang tồn đọng, CSHS phải nhanh chóng điều tra làm rõ. Phòng CSHS phối hợp với các phòng nghiệp vụ hỗ trợ cho Công an các quận, huyện và thị xã nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý đối với số đối tượng vi phạm cũng như nằm trong diện tình nghi…

Đại tá Dương Văn Giáp - Trưởng phòng CSHS chia sẻ, kết quả nhìn thấy rõ nhất qua hơn 1 năm triển khai Kế hoạch 231, là số vụ đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân đã giảm rõ rệt. Các vụ trọng án mang tính chất đe dọa giết người, cố ý gây thương tích liên quan đến hoạt động vay nợ tín dụng đen cũng giảm sâu. Tới đây, Phòng CSHS sẽ phối hợp với Công an các địa phương giáp ranh, Cục CSHS, với quyết tâm từng bước nhổ sạch những “mầm độc” gây bức xúc dư luận.