Đánh cắp thời gian
(ANTĐ) - “Alô, đến cơ quan chưa? ừ, thế thì qua đây ăn sáng rồi cà phê cà pháo tý đi”. Câu chuyện qua điện thoại vào lúc 8h sáng của vị khách hàng đang đeo thẻ của một cơ quan Nhà nước không làm chủ quán và những người xung quanh ngạc nhiên.
Bởi tình trạng “tranh thủ giờ làm việc” đã khá phổ biến với một bộ phận không nhỏ người lao động, nhất là với giới cán bộ, công chức đang làm việc tại một số cơ quan Nhà nước. Hàng ăn uống, hàng nước, hàng cà phê quanh khu vực một số cơ quan, đơn vị cũng nhờ đội ngũ “trốn giờ” này mà thêm phần đông khách.
Chuyện “ăn uống tranh thủ” cũng chỉ là một trong rất nhiều hình thức “ăn cắp giờ Nhà nước”. Với một số công chức, mỗi ngày chỉ cần đến muộn, về sớm ít phút là cũng có thể tranh thủ xử lý được khối việc riêng như đưa đón con, chợ búa, cơm nước. Cũng có người vẫn đảm bảo “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nhưng một phần không nhỏ giờ giấc hành chính được dành cho việc vào lướt web, “buôn dưa lê” với bạn bè, đồng nghiệp, “lượn lờ” mua sắm, lễ chùa...
Thậm chí, có trường hợp, cán bộ cơ quan Nhà nước còn dùng “giờ công” và “trụ sở công” để chơi bài, bạc. Chị bạn tôi làm việc tại một Tổng công ty lớn kể, hầu hết công việc của cơ quan đều được các cán bộ phòng chị dồn vào giải quyết trong buổi chiều vì buổi sáng mọi người đều “chúi mũi” vào bảng giao dịch chứng khoán điện tử. Chị cũng tâm sự, thực ra, với khối lượng công việc của chị và đồng nghiệp đang đảm nhiệm hàng tháng thì chỉ cần 10 đến 15 ngày là có thể thực hiện xong.
Quả thực, tại không ít bộ phận của các cơ quan Nhà nước, thời gian đang bị lãng phí ghê gớm. Tuy chưa có cuộc điều tra một cách quy mô, đầy đủ về vấn đề này nhưng cũng đã khẳng định, bộ máy hành chính của chúng ta còn cồng kềnh, rối rắm. Hệ quả là, không những ngân sách phải “gồng mình” chi trả cho “cỗ máy” này mà bản thân các doanh nghiệp, người dân khi phải thực hiện những thủ tục hành chính liên quan cũng phải qua rất nhiều “cửa”.
Để chống tình trạng “chảy máu thời gian”, có rất nhiều vấn đề phải được giải quyết, nhiều việc phải làm như tuyển lựa, bố trí cán bộ, công chức cho đúng người, đúng việc; có cơ chế quản lý, giám sát cán bộ một cách khoa học; có chính sách, chế độ lương, thưởng hợp lý và công bằng... Và cuối cùng, không kém phần quan trọng, đó là bản thân người lao động cũng phải thay đổi nhận thức, thói quen làm việc còn thiếu khoa học, tùy tiện, dựa dẫm, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
Thảo Nguyên