Đằng sau "tour 0 đồng" của du khách Trung Quốc:Nhiều chưa phải đáng mừng

ANTD.VN - Có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến. Song dù nguyên nhân đó là gì, thì điều này cũng đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho ngành du lịch.

Không chỉ tỉnh Quảng Ninh, mà tỉnh Khánh Hòa cũng đón lượng khách Trung Quốc tăng đột biến với hơn 194.000 lượt, tăng 300% so với cùng kỳ. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 2 tháng đầu năm 2017, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam ước đạt 651.284 lượt, tăng 177,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo chiến lược phát triển của ngành du lịch thì đây là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, việc gia tăng đột biến du khách ở thị trường này đặt ra không chỉ vấn đề về năng lực đáp ứng của cơ sở hạ tầng.

Đằng sau "tour 0 đồng" của du khách Trung Quốc:Nhiều chưa phải đáng mừng ảnh 1Du khách Trung Quốc đông nghẹt ở sân bay quốc tế Cam Ranh

Nhiều lý do “cộng hưởng”

Một thời gian dài, Chính phủ Trung Quốc chỉ ưu tiên phát triển du lịch nội địa, hạn chế người dân đi du lịch nước ngoài vì cho rằng du lịch nước ngoài sẽ gây thất thoát ngoại tệ. Đến nay dù các quy định về xuất cảnh du lịch của Trung Quốc đã cởi mở hơn, song hoạt động của các công ty lữ hành quốc tế Trung Quốc vẫn bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Chính sách quản lý du lịch này thậm chí còn được sử dụng như một biện pháp ngoại giao nhằm khống chế lượng khách du lịch Trung Quốc đổ vào các quốc gia đang có căng thẳng với nước này. 

Đầu tháng 3-2017, Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại khu đất ở vùng Seongju, đông nam Seoul, Hàn Quốc. Chính sách “ngoại giao du lịch” được Trung Quốc áp dụng gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch Hàn Quốc, sau khi những phản đối của Trung Quốc đối với THAAD bị Seoul phớt lờ. Theo chính sách này, tất cả các doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc đều không được cấp giấy phép đưa người sang Hàn Quốc du lịch, các tour đã đặt trước cũng phải hủy bỏ trước ngày 15-3. Việc này đã dẫn đến số lượng du khách Trung Quốc tăng nhanh tại các thị trường khác như Malaysia, Philippines và cả Việt Nam.

Trong khuôn khổ lễ khai mạc Năm Hợp tác Du lịch ASEAN-Trung Quốc 2017 diễn ra tại Thủ đô Manila (Philipines), Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Trung Quốc Li Jinzao đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác du lịch giữa hai nước. Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân khiến phía Trung Quốc phát triển mạnh các tour đi Việt Nam và làm tăng đột biến lượng du khách nước này đến Việt Nam.

Đằng sau "tour 0 đồng" của du khách Trung Quốc:Nhiều chưa phải đáng mừng ảnh 2Khách du lịch Trung Quốc ngập tràn các đồi thông Đà Lạt

Thách thức với ngành du lịch

Số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam từ nay đến cuối năm 2017 khả năng còn tăng cao, đặt ra nhiều vấn đề bất cập ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, chất lượng của du lịch Việt Nam như tình trạng lách luật đất đai, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn mà chủ là người Trung Quốc, các nhà hàng chỉ phục vụ khách du lịch là Trung Quốc với giá “chặt chém”; hướng dẫn viên người Trung Quốc không được cấp phép hoạt động “chui”; tình trạng khách du lịch Trung Quốc thiếu văn hoá gây mất trật tự, tạo hình ảnh phản cảm tại một số khu nghỉ dưỡng, khiến du khách các nước khác dạt đi. Bên cạnh đó còn là tình trạng thiếu tour tuyến, thiếu sản phẩm, tạo cơ hội nảy sinh những tour kém chất lượng với giá cao... 

Trong nỗ lực giải quyết, mới đây Bộ VH-TT&DL lần đầu tiên ban hành Bộ quy tắc về ứng xử văn minh khi đi du lịch, coi đó là một trong các giải pháp trọng tâm. Trước đó, TP.HCM, Bình Thuận và Đà Nẵng đã ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch để ứng xử đúng mực. Riêng Đà Nẵng cũng phát hành 5.000 bản in bộ quy tắc ứng xử trong du lịch bằng tiếng Trung để phát cho du khách Trung Quốc. 

Xử lý hàng loạt cửa hàng “chỉ bán cho người Trung Quốc”

Ngày 30-3, Sở Du lịch Quảng Ninh chỉ đạo Thanh tra Sở ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư khám phá du lịch Việt Nam (địa chỉ tổ 1, khu 5A, đường Hậu Cần, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long) 25 triệu đồng, hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong thời gian 12 tháng kể từ ngày 31-3.

Cùng ngày, Sở Du lịch đã thu hồi văn bản công nhận điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đối với 9 cơ sở bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch tại thành phố Hạ Long và thị xã Đông Triều.

Chiều 30-3, lực lượng chức năng TP Hạ Long đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ cửa hàng mỹ nghệ Tiến Đạt Dream 2 thuộc Công ty Tiến Đạt Dream. Đây là 1 trong 3 cửa hàng của Công ty Tiến Đạt Dream bị dư luận cho rằng chỉ bán hàng phục vụ khách Trung Quốc.