Bất thường đằng sau "Tour 0 đồng" của du khách Trung Quốc

ANTD.VN - Một lượng khách đông khủng khiếp từ Trung Quốc ngày ngày vẫn tràn qua cửa khẩu Móng Cái vào Việt Nam, đang khiến du lịch Quảng Ninh oằn mình gồng gánh. 

Mỗi ngày, tỉnh Quảng Ninh đón 5.000 đến 7.000 khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam (cuối tuần có thể tăng ít nhất gấp đôi) về lý thuyết là con số trong mơ với du lịch đất Mỏ. Sức hút từ cửa khẩu quốc tế Móng Cái, biển Bãi Cháy hay đặc biệt là di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long khiến cho lượng khách tới đây không hề có dấu hiệu giảm.

Nghe qua thì đó là một tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, trên thực tế, với hình thức “du lịch 0 đồng”, du lịch Quảng Ninh hầu như chẳng thu được gì và hầu hết dòng tiền chỉ chảy vào túi của các công ty lữ hành, hoặc các đơn vị nhỏ lẻ cung cấp dịch vụ ăn uống, quà lưu niệm. Đó là còn chưa kể môi trường bị ô nhiễm và văn hóa bị ảnh hưởng.

Bất thường đằng sau "Tour 0 đồng" của du khách Trung Quốc ảnh 1Khách du lịch Trung Quốc tràn kín cây cầu Bắc Luân nối Trung Quốc và Việt Nam 

Những chuyện kỳ lạ ở Móng Cái, Hạ Long

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái có lẽ chưa bao giờ đông vui nhộn nhịp như trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Hoạt động du lịch qua cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có từ lâu, nhưng đến tháng 6-2016 và nhất là ở thời điểm hiện tại, mới bùng phát dữ dội. Cách đây vài năm, du khách Trung Quốc thường phải mất khoảng trên dưới 1.000 NDT để có thể du lịch khám phá Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Thời điểm ấy, các công ty lữ hành trong nước được hưởng ít nhất 100 NDT/ngày/khách khi nhận khách từ các đối tác Trung Quốc. 

Nhưng thời gian gần đây, nhiều công ty Trung Quốc nhận khách du lịch với giá 0 đồng rồi bán lại cho các công ty lữ hành Việt Nam. Để có thể thu lại vốn, những đơn vị này chỉ còn cách “vẽ” ra chương trình tham quan kèm theo mua sắm ở những cửa hàng “ruột” sau đó ăn chia theo tỷ lệ phần trăm.

Thông tin trên được chị Tâm, một cựu hướng dẫn viên du lịch đang làm lễ tân khách sạn Đ.H tại Trần Phú, Móng Cái chia sẻ với chúng tôi. Chị Tâm còn cho biết, nhiều lái xe thậm chí còn tắt cả máy lạnh giữa thời tiết nóng nực để buộc du khách Trung Quốc phải xuống xe bằng hết khi đỗ lại để ép du khách vào mua hàng.

Phóng viên theo chân một đoàn khách Trung Quốc thử bước vào một cửa hàng lớn với tên gọi nửa Việt nửa Hoa là T.T.Đ ở Móng Cái. Sau khi chúng tôi buột miệng hỏi giá một con thuyền làm bằng gỗ và vỏ ốc rất đẹp, cô nhân viên bán hàng trừng mắt gằn giọng: “Đi chỗ khác đi, ở đây không bán cho người Việt”.

Sau đó, con thuyền này được một du khách mua với giá 1,7 triệu đồng, gấp 3 giá trị thường. Chưa hết, rất nhiều quán ăn ở Móng Cái cũng không tiếp người Việt. Ghé vào một quán ăn trên phố Vườn Trầu vào đúng giờ cơm trưa, chúng tôi được chủ quán người bản địa “đuổi” khéo: “Ở đây bọn chị chỉ làm cơm bán cho khách Trung Quốc thôi. Khó ăn lắm, bọn em không ăn được đâu”. 

Được biết, ở Hạ Long cũng xảy ra tình trạng tương tự. Du khách Trung Quốc đi dạo trên phố có khi nhiều hơn cả người địa phương. Họ cười nói, xả rác và thậm chí là đi vệ sinh bừa bãi. Lạ ở chỗ, nhiều nơi chỉ duy nhất phục vụ khách Trung Quốc. Việc “cấm cửa” người Việt cũng khiến cho các cơ quan chức năng khó vào cuộc để dẹp bỏ nạn này.

Người Trung Quốc cũng kinh ngạc

Trong vai những người khách du lịch, chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh từ Móng Cái, qua cửa khẩu để đến với thành phố Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Mới chỉ bước qua vùng cửa khẩu Việt Nam, chớm nhìn sang “bên kia” thôi đã thấy một cảm giác ngột ngạt đáng sợ. Dù là sáng thứ hai đầu tuần, nhưng khách du lịch nước bạn làm thủ tục xuất cảnh để sang Việt Nam đã có cả nghìn người đứng xếp hàng đông nghịt. 

Bất thường đằng sau "Tour 0 đồng" của du khách Trung Quốc ảnh 3Vợ chồng chị Vương và anh A Sừ (người Choang, Quảng Tây) nói chưa từng thấy người Trung Quốc sang Việt Nam du lịch đông đến thế

Họ hăm hở đi bộ phủ kín cây cầu Bắc Luân (bắc qua sông Ka Long, nối hai cửa khẩu) khiến cho những chiếc xe  container hoạt động giao thương giữa hai nước cũng phải “khép nép” nhường chỗ. Một sự may mắn tình cờ, ngay khi bước tới đất Đông Hưng, chúng tôi đã gặp chị Vương, vợ của anh A Sừ, dân tộc Choang sống ở Quảng Tây. Hai vợ chồng anh làm nghề đạp xe lôi từ chục năm trước (một loại xe gần giống xích lô ở Việt Nam) và mới “lên đời” được taxi để phục vụ du khách tham quan Đông Hưng. Có một điểm đặc biệt, cả hai đều nghe nói tiếng Việt rất thành thạo, đặc biệt là chị Vương.

Không được học tiếng Việt chính thống một ngày nào, nhưng sau hơn 20 năm làm nghề ở cửa khẩu, vốn tiếng Việt của chị Vương tự nhiên đầy đặn lên mỗi ngày. Chia sẻ với chúng tôi, chị Vương nói chưa khi nào trong suốt những năm bám cửa khẩu, chị lại thấy khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam nhiều đến thế. “Tôi chưa sang Việt Nam bao giờ, chỉ có ông nhà tôi sang một vài lần để làm ăn. Ở đây đã lâu, nhưng quả thật, đây là lần đầu tiên tôi thấy khách Trung Quốc sang Việt Nam nhiều đến vậy. Nhiều và đông một cách đáng kinh ngạc. Tôi nghe nói là họ đi du lịch, hình như là không mất phí đâu. Chỉ mất gọi là tiền ăn uống mua sắm thôi”.

Chị Vương kể, khách Trung Quốc sau chuyến du lịch Việt Nam về hầu hết đều tỏ ra hài lòng. Không phải bỏ ra số tiền lớn thế nên họ hoan hỉ vì đã biết thế nào là Vịnh Hạ Long. Những gì chị Vương nói lại khiến cho chúng tôi thêm chạnh lòng, bởi lẽ ra, một địa phương có di sản đẳng cấp thế giới như Quảng Ninh phải có nguồn thu lớn và vững bền hơn rất nhiều từ nguồn khách đó, nếu được quản lý chặt chẽ và chuyên nghiệp hơn.

 (Còn nữa)