Đằng sau "Tour 0 đồng" của du khách Trung Quốc: Kiếm lãi bằng cách nào?

ANTD.VN - Sẵn sàng chào giá “tour 0 đồng” và khi khách đã vào tay, các công ty lữ hành cùng “đối tác” bắt đầu thực hiện đủ chiêu trò để khách phải móc ví.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên hành trình từ thành phố Móng Cái về Hạ Long, khách buộc phải vào các điểm dừng chân, thực chất là các cửa hàng mua sắm theo chủ đích của công ty lữ hành, mua hàng với giá rất đắt. 

Chị H.Y - cựu hướng dẫn viên du lịch một công ty lữ hành có nhận khách từ Trung Quốc đi Hạ Long cho biết, lái xe đưa khách đến được cửa hàng trả hoa hồng khoảng 10 triệu đồng, hướng dẫn viên nhận 20 triệu đồng, gọi là tiền mua “đầu khách”. Nhưng người nhận cũng không được nhận hết mà phải chia lại với công ty lữ hành theo thỏa thuận.

Đằng sau "Tour 0 đồng" của du khách Trung Quốc: Kiếm lãi bằng cách nào? ảnh 1Khách đi tour 0 đồng thường xuyên bị thả ở các cửa hàng mua sắm theo chủ đích của công ty lữ hành, mua hàng với giá rất đắt

Muôn kiểu “móc ví” du khách 

Chị H.Y cho biết: “Thực ra “tour 0 đồng” này đã nở rộ từ khoảng tháng 6 năm ngoái và mới tái diễn từ đầu tháng 3-2017. Thời điểm mới xuất hiện dạng tour này, các công ty lữ hành kiếm lãi nhiều, song cũng vì đó mà các công ty lữ hành, nhà hàng đua nhau lao vào liên kết, mở tour. Giá tour đi Hạ Long 4 ngày 3 đêm bình thường là 250-300 nhân dân tệ (tương đương 800-900 nghìn đồng) đã là rất rẻ. Nhưng để cạnh tranh, công ty lữ hành khẳng định giá nào cũng có, thậm chí chào giá 0 đồng để “câu” khách mua tour”. 

“Với giá 0 đồng, công ty lữ hành lấy đâu ra lãi?”, trả lời câu hỏi của chúng tôi, chị H.Y cười đáp: “Khi khách đã vào tay rồi, công ty lữ hành và “đối tác” bắt đầu thực hiện đủ chiêu trò để khách phải móc ví”. “Khách Trung Quốc có mức độ chi tiêu cao, thích mua sắm. Những mặt hàng như trầm hương, sản phẩm từ cao su, vải vóc, đồ thủ công mỹ nghệ… được khách chuộng và mua nhiều. Có cửa hàng thu về 40-50 triệu đồng/đoàn. Song cũng có lúc khách mua sắm ít, cửa hàng chấp nhận lỗ, vẫn trích lại phần trăm cho nhà tour để giữ mối lâu dài’, chị H.Y cho hay.

 Cũng theo chị H.Y, phương thức quen thuộc là khách ép tour để có giá rẻ, nhà tour ép giá lại nhà hàng để giảm tối đa chi phí. Công ty lữ hành ép giá nhà hàng ăn chỉ khoảng 50.000-70.000 đồng/người cho suất ăn được quảng cáo 150.000 đồng. Đôi khi, nhà hàng cũng phải chấp nhận không có lợi nhuận để kéo được “mối” tour trước, sau đó họ mới tính tới thu lãi bằng cách cắt giảm chi phí suất ăn và lấy lãi ít nhưng bán cho nhiều người.

Chỉ vào một điểm dừng chân của một đoàn khách Trung Quốc tại Hạ Long, chị H.Y nói: “Mỗi xe là 45 khách, mỗi đoàn 3-4 xe. Mỗi ngày nhà hàng đón 5-10 đoàn như thế. Anh thử nhân lên, nếu mỗi suất ăn chỉ cần lãi 5.000-10.000 đồng, mỗi ngày họ kiếm lãi bao nhiêu?”.

Thất thoát thuế, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam

Từ giữa năm 2016 đến nay, khách Trung Quốc đi theo “tour 0 đồng” tăng mạnh ở Đà Nẵng, TP.HCM và mới đây là Quảng Ninh. Có điều, dù lượng khách đến ngày càng tăng nhưng ngành du lịch địa phương hầu như không được hưởng lợi, bởi toàn bộ dịch vụ phục vụ số khách này đều do doanh nghiệp Trung Quốc “bao thầu”. Do đó, khách được đi tham quan rất ít mà chủ yếu bị đưa vào những điểm mua sắm, hàng lưu niệm, ăn uống... Những điểm này đều bán với giá cao ngất ngưởng và thanh toán bằng tiền mặt nên Nhà nước không thu thuế được.

Đó là chưa kể nhiều trường hợp hướng dẫn viên lừa du khách mua vé tham quan đắt gấp 5-20 lần giá trị thực, hay nửa đêm hướng dẫn viên đi gõ cửa từng phòng để xin xỏ, dọa dẫm khách ép phải dùng dịch vụ để thu tiền chênh lệch. Kể cả việc nhồi nhét khách trên xe, giảm suất ăn chính, ăn bớt tiền của du khách hay một số hướng dẫn viên còn tổ chức bán hàng lưu niệm ngay trên xe... 

Thực trạng nêu trên không chỉ gây thất thoát nguồn thuế mà còn làm xấu hình ảnh du lịch địa phương, rộng hơn là hình ảnh du lịch Việt Nam và thực tế rất nhiều du khách “một đi không trở lại”.

“Kiên quyết làm sạch môi trường kinh doanh du lịch” 

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy sau khi kiểm tra đột xuất các hoạt động liên quan đến công tác phục vụ khách du lịch lữ hành và công tác đảm bảo môi trường du lịch trên địa bàn TP Hạ Long ngày 29-3. Tại buổi kiểm tra, đoàn công tác phát hiện nhiều cửa hàng kinh doanh phục vụ du khách có những dấu hiệu vi phạm về các mặt hàng nhập khẩu, nguồn gốc hàng hóa, hình thức giới thiệu, chào bán các mặt hàng trong trung tâm, việc niêm yết giá, thanh toán bằng ngoại tệ “trá hình”... 

Đặc biệt, vệ sinh môi trường cảnh quan tại điểm bán hàng này khá nhếch nhác, gây ấn tượng xấu về hình ảnh du lịch Hạ Long tới khách du lịch. Cùng với đó, Đoàn công tác liên ngành TP Móng Cái đã kiểm tra 124 hướng dẫn viên đoàn khách, lập biên bản 16 trường hợp trong đó xử phạt hành chính 9 trường hợp hướng dẫn viên không có thẻ và dùng thẻ giả của 4 công ty lữ hành với tổng tiền phạt gần 70 triệu đồng.

“Tỉnh Quảng Ninh kiên quyết đấu tranh làm sạch môi trường kinh doanh du lịch, đặc biệt môi trường kinh doanh lữ hành. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành chào bán các tour du lịch với giá 0 đồng thông qua các điểm kinh doanh trá hình của người Trung Quốc và người Việt Nam bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc với giá thành cao gấp nhiều lần giá trị thật của mặt hàng để thu lợi bất chính…”, bà Vũ Thị Thu Thủy khẳng định.

Kiểm tra thông tin “cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa giao UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra phản ánh trên báo chí: “Bí mật sau những cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc”. Bài báo phản ánh về những điểm bán hàng tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) là nơi tạo nguồn thu chính để nuôi hệ thống đón khách du lịch đường bộ Trung Quốc với giá “tour 0 đồng”.

Theo phản ánh, gọi là bí ẩn bởi du khách Trung Quốc tấp nập nhưng người Việt không thể vào được. Doanh thu mỗi đoàn khách vào đạt hàng trăm triệu đồng, được chia cho các bên liên quan, nhưng rất khó để cơ quan thuế kiểm soát... Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có); trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.