Đằng sau sự “lỗ”

(ANTĐ) - Phải thừa nhận rằng, sau hơn hai chục năm mở cửa, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích xuất khẩu, giải quyết việc làm và hiện đang trở thành đầu tàu tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp FDI báo cáo thua lỗ kéo dài cả chục năm qua là do nước ta chưa có công cụ kiểm soát hữu hiệu hiện tượng chuyển giá, một trong nguyên nhân đằng sau cái sự “lỗ” này.

Đằng sau sự “lỗ”

(ANTĐ) - Phải thừa nhận rằng, sau hơn hai chục năm mở cửa, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích xuất khẩu, giải quyết việc làm và hiện đang trở thành đầu tàu tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp FDI báo cáo thua lỗ kéo dài cả chục năm qua là do nước ta chưa có công cụ kiểm soát hữu hiệu hiện tượng chuyển giá, một trong nguyên nhân đằng sau cái sự “lỗ” này.

“Thủ thuật” chuyển giá là gì? Các doanh nghiệp FDI nhập khẩu máy móc, nguyên liệu đầu vào từ công ty mẹ ở “mẫu quốc” với mức giá cao. Sau đó, họ bán lại hàng hóa sản xuất ở Việt Nam cho công ty mẹ với giá thấp, các doanh nghiệp FDI “né” được thuế thu nhập doanh nghiệp và tiếp tục được hoàn thuế giá trị gia tăng. Cách làm này đã gây thất thoát lớn nguồn thuế trong nước. Theo thống kê của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh về kết quả kinh doanh năm 2009 của doanh nghiệp FDI trên địa bàn, gần 60% số doanh nghiệp báo cáo lỗ.

Năm 2008, tỷ lệ doanh nghiệp FDI thua lỗ cũng chiếm tới 61,3% và trước đó, năm 2007, năm kinh tế Việt Nam hưng thịnh mà vẫn tới gần 70% doanh nghiệp khu vực này “kêu” lỗ. Điều đó cũng có nghĩa là TP Hồ Chí Minh không thu nổi một đồng nào thuế thu nhập doanh nghiệp từ những công ty nước ngoài này. Có thể khẳng định, thua lỗ là xu hướng của khối doanh nghiệp FDI trong cả nước. Nó được phản ánh qua tỷ lệ đóng góp cho ngân sách quốc gia (không kể dầu thô) khá thấp.

Từ năm 2005 - 2008 chỉ dao động 9-10% tổng thu ngân sách nhà nước. Riêng năm 2009, phần đóng góp của doanh nghiệp FDI giảm 11,2% so với kế hoạch, trong khi khu vực tư nhân trong nước chỉ giảm 4,4%. Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ thua lỗ cao bất thường của doanh nghiệp FDI hầu như không phải tại khó khăn trong sản xuất kinh doanh mà là do họ thực hiện “thủ thuật” chuyển giá ra nước ngoài nhằm trốn thuế ở Việt Nam.

Thực ra, “mưu mẹo” này đã bị nhiều doanh nghiệp trong nước nghi ngờ từ cách đây hơn 15 năm, khi họ phát hiện những dự án của nước ngoài có chi phí đầu tư ban đầu cao một cách bất thường. Chẳng hạn, cũng một số vốn đầu tư ban đầu như nhau, nhưng Công ty Pomina xây dựng được một nhà máy thép thiết bị, công nghệ Italia, có công suất lớn gấp đôi hai công ty FDI khác ở Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tương tự, suất đầu tư của các nhà máy dầu thực vật Bình An chưa tới một nửa của những công ty liên doanh khác.

Có thể kể ra hàng loạt dẫn chứng trong các ngành sản xuất bao bì, nhựa, điện… Một chuyên gia kinh tế nhận xét, doanh nghiệp FDI kê khống giá nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu từ công ty mẹ ở nước ngoài còn làm cho mức nhập siêu tăng cao. Hậu quả là giá thành sản phẩm của khối doanh nghiệp FDI sản xuất đắt hơn. Giá thành cao là cái cớ để họ báo cáo lỗ. Nguy hại hơn, tình trạng này kéo dài sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh, cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp trong nước.

Hơn thế, các doanh nghiệp FDI hoạt động ở nước ta chủ yếu trong những ngành thâm dụng nhiều lao động. Hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài về gia công, lắp ráp. Một số doanh nghiệp không sử dụng nguồn nguyên liệu và vật tư có sẵn trong nước. Họ chủ yếu tận dụng, khai thác đất đai và lao động giá rẻ ở nước ta rồi bằng “ảo thuật” chuyển giá về nước họ.

Ngay từ năm 2007, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính xác nhận có hiện tượng chuyển giá, nhưng ông cũng thừa nhận dù cố gắng nhưng không kiểm soát được. Bởi vì họ chuyển giá từ bên ngoài, qua thiết bị, máy móc, giá nguyên liệu từ công ty mẹ. Rõ ràng, hiện tượng “lỗ giả lãi thật” không chỉ làm ngân sách quốc gia bị thất thu, mà đằng sau sự “lỗ” ấy đã gây ra những hậu quả xấu cho cả nền kinh tế.

Đan Thanh