Đắng lòng vì con không làm tròn chữ hiếu

ANTĐ -  Chúng tôi kìm nén sự tức giận, phân tích cho con hiểu sai lầm của nó khi bao che cho thói hư tật xấu của chồng, khuyên nó nên có cách giúp cho chồng từ bỏ cờ bạc thì nó nghĩ ngay rằng bố mẹ tiếc tiền, cho con cái mà cũng xót, cũng tính toán chi ly.

"Có con mà gả chồng gần. Có bát rau cần nó cũng mang cho"- tôi đã từng sung sướng vô cùng khi con gái nghe lời tôi lấy một người chồng trong cùng thành phố. Mong con lấy chồng gần để được gần gũi, quan tâm, để được nương tựa khi tuổi già nhưng rồi, mọi hi vọng tan biến hết khi con gái tôi không màng gì tới bố mẹ đang sống đơn côi, hiu quạnh trong càn nhà trống.

30 năm trước, tôi vượt qua tất cả mọi sự phản đối của bố mẹ để đi làm vợ, làm dâu ở nơi cuối chiều dài đất nước. Quê tôi ở miền Bắc, địa đầu Tổ quốc, còn chồng lại ở tận phương Nam. Bố mẹ ngăn cản vì sợ sẽ "mất" con bởi khoảng cách hơn 2000 cây số, biết bao lâu mới có thể gặp một lần, nói gì tới việc có thể chăm sóc, hỏi han. Tình yêu có sức mạnh lạ kỳ, chúng tôi "đấu tranh" với tất cả rào cản để đến với nhau. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, cuối cùng cả hai gia đình phải gật đầu chấp nhận.

Khi rời xa bố mẹ, họ hàng, quê hương vào miền Nam sinh sống, tôi mới bắt đầu cảm nhận thấy khoảng cách xa xôi của 2000 cây số. Lấy chồng được ba năm, tôi mới về thăm nhà lần đầu tiên. Rồi những năm sau, có thể năm năm thậm chí mười năm, tôi mới có thể có điều kiện về thăm bố mẹ, anh chị. Mỗi lần về là một lần xót xa, thương bố mẹ ngày càng già đi mà phận làm con chẳng thể tận tay nấu cho bố mẹ bát cháo, miếng cơm. Tôi luôn tự trách mình là đứa con không làm tròn đạo hiếu với bậc sinh thành chỉ vì đi theo tiếng gọi của tình yêu...

Chính vì thế, khi vợ chồng tôi hiếm muộn, chỉ sinh được một cô con gái kháu khỉnh, thông minh và xinh đẹp thì trong tư tưởng của tôi, ngoài việc dạy con học hành tử tế, tôi luôn tâm sự với chồng rằng: khi con gái lớn lên, nhất định không thể để con gái lấy chồng xa. Tôi sợ con gái mình lặp lại bước đi của tôi ngày còn trẻ. Tôi cũng sợ cảnh hai vợ chồng già cô đơn, không có bóng dáng con cháu sum vầy bên cạnh. Từ ngày con gái bước sang tuổi 20, tôi luôn tâm sự, chia sẻ mong muốn của mình và định hướng cho con khi chọn một người chồng thế nào là phù hợp và có thể mang lại hạnh phúc cho con.

Và tôi đã sung sướng như "bắt được vàng" khi con gái tôi mang người yêu về ra mắt. Một chàng trai trông mặt mũi sáng sủa, ăn nói lễ phép và quan trọng nhất là ở cùng thành phố, chỉ cách gia đình tôi mười cây số. Nghĩ rằng sẽ có chàng rể "quý", tôi hết lời khen ngợi và giục con gái tiến tới hôn nhân. Đám cưới diễn ra trong sự thở phào nhẹ nhõm của tôi khi tin chắc rằng, con gái lấy chồng gần sẽ thường xuyên, quan tâm tới bố mẹ, chăm sóc cho hai vợ chồng tôi khi bước sang con dốc bên kia cuộc đời.

Ảnh minh họa

Hai năm trôi qua kể từ ngày có rể mới, gia đình tôi sống hạnh phúc, sum vầy. Các con ở riêng những thường xuyên về thăm bố mẹ khiến vợ chồng tôi cảm thấy được an ủi vì con cái quan tâm, chăm sóc. Nhưng rồi con rể tôi bắt đầu biểu lộ những thói hư tật xấu. Và thật tệ hại hơn, con gái tôi nghe lời dụ dỗ của chồng khiến vợ chồng tôi buồn lòng. Chẳng hiểu nghĩ thế nào, con rể xui vợ qua nhà ngoại vay tiền của bố mẹ đề ăn tiêu. Chúng đồng tình với nhau nên bày ra cả đống lý do chính đáng. Nếu không đáp ứng, vợ chồng tôi sẽ bị quy keo kiệt. Nhưng vay tiền để làm gì thì không nói, vợ chồng trẻ công ăn việc làm đàng hoàng, vay tiền tiêu pha khiến chúng tôi không khỏi lo lắng.

Tôi gọi con gái về bên nhà để tâm sự, hỏi xem hai vợ chồng chúng nó làm gì mà cần đến nhiều tiền thế thì nó buông câu "Sao mẹ hỏi nhiều thế? Bọn con cũng có việc riêng của chúng con chứ? Chẳng lẽ làm gì cũng phải báo cáo với bố mẹ hay sao? Bố mẹ cho con cái mà cứ tính toán?". Giận con bao nhiêu thì tôi cũng thương nó bấy nhiêu - tấm lòng người mẹ người cha nào cũng thế nhưng vợ chồng tôi càng thương thì chúng nó càng quá đáng. Vay được tiền của bố mẹ, chúng ngọt nhạt hẹn đến ngày trả mà không thấy chúng nó nói một câu, cả tháng không một lần về thăm, không một câu hỏi han. Lo lắng cho con, tôi lọ mọ bắt xe buýt đi sang nhà chúng thì thấy cả hai đang nhậu nhẹt với bạn bè trong nhà.

Thấy tôi sang, sợ mẹ kể chuyện tiền nong, con gái ngồi nói chuyện với tôi một lúc rồi giục tôi về vì "mẹ không thấy chúng con đang bận à?". Tôi như chết điếng bởi sự vô tâm của đứa con gái dứt ruột đẻ ra. Không phải chúng tôi tìm tới nhà con để đòi tiên đâu, bởi tiền của cho con cũng chính là cho mình nhưng chỉ vì lo lắng, tôi mới sang thăm. Chưa dừng lại ở đó, hai tuần sau đứa con gái của tôi mặt hâm hầm về nhà, mắt sưng húp. Chưa kịp để cho chúng tồi cất lời hỏi vì sao, nó đã tuôn một tràng đầy vẻ tức tối, trách móc  tất cả là tại chúng tôi ki bo, không cho chúng nó vay tiền trả nợ nên chồng nó phải trốn nợ vì thua bạc, còn đánh nó vì cho rằng nó vô tích sự. Hóa ra gần một năm nay ông con rể quý hóa của tôi sà đà vào cờ bạc, lô đề mà bỏ bê công việc. Một mình con gái tôi đi làm được bao nhiêu tiền cũng chỉ để cho chồng đánh bạc.

Thay vì tìm cách khuyên chồng thì nó lại vào hùa. Càng đánh càng thua, hai vợ chồng nó đem cả xe máy đi cắm, rồi lại vay nặng lãi để gỡ. Kết quả là lãi mẹ đẻ lãi con lên đến hơn 200 triệu đồng. Lần hai đứa về vay tiền làm ăn, tôi đưa cho chúng nó 100 triệu đồng thì chúng lấy số tiền ấy trả lãi, số còn lại lại tiếp tục đánh với tư tưởng "thắng ăn cả, ngã về không". Cuối cùng thì về không thật. Bí bách, hai đứa lại về xin tiền nhưng hai vợ chồng thấy không hợp lý nên không cho. Thế là chồng nó chửi mắng nó vô tích sự, không "nịnh" được bố mẹ để lấy tiền trả nợ rồi bỏ trốn vì chủ nợ ngày nào cũng đến đòi. Tôi không tin đứa con gái hiền ngoan ngày nào lại vào hùa với những tệ nạn như thế, lại càng không tin nó lại có thể vì tiền mà thốt ra những câu nói xúc phạm những người sinh thành, dưỡng dục nó như thế.

Chúng tôi kìm nén sự tức giận, phân tích cho con hiểu sai lầm của nó khi bao che cho thói hư tật xấu của chồng, khuyên nó nên có cách giúp cho chồng từ bỏ cờ bạc thì nó nghĩ ngay rằng bố mẹ tiếc tiền, cho con cái mà cũng xót, cũng tính toán chi ly. Bố mẹ cứ giữ tiền trong nhà để cho oai với người đời đi, mặc kệ con. Có chết con cũng không thèm về ngửa tay xin bố mẹ tiên nữa đâu" - nó hét lên trước khi bỏ đi. Cả hai vợ chồng tôi đều bất lực khi thấy con trở nên hỗn láo như thế.

Mong con lấy chồng gần để cả nhà gần gũi nhau, chúng tôi mong từng ngày có cháu bế bồng nhưng đợi mãi chẳng thấy tin vui. Từ ngày xảy ra chuyện tính đến nay đã gần 5 tháng, hai vợ chồng nó chưa một lần ghé lại thăm nhà, thăm bố mẹ. Nghe đâu chúng nó đã bán đi mảnh đất của anh trai chồng để trả nợ. Thương con, nhớ con nhưng chúng tôi không sang thăm để xem chúng nó có còn nhớ đến bố mẹ đang thui thủi trong căn nhà vắng hay không?

Lại nghiệm ra thêm một điều rằng, sự quan tâm, hiếu thảo của con cái đối với các bậc sinh thành không hoàn toàn do khoảng cách gần xa mà điều quan trọng nhất là ở tấm lòng của những người con. Đau xót thay khi con gái tôi lại không phải là đứa con hiếu thảo như tôi vẫn từng ước ao...