Kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930/3-2-2012):

Đảng lắng nghe tâm huyết của nhân dân

ANTĐ - 82 năm qua, Đảng ta đã đạt được những thành tựu vô cùng vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”.  Đi theo Đảng, tin Đảng, yêu Đảng, luôn có những tiếng nói đầy tâm huyết vang lên từ nhân dân, với mong muốn Đảng sẽ ngày càng vững mạnh, đưa dân tộc không ngừng tiến lên phía trước.

Gần dân và sát dân luôn là phong thái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

khi về làm việc tại các địa phương, cơ sở


Xây dựng chỉnh đốn Đảng từ cơ sở

Việc ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (NQ4) về đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào thời điểm này là cần thiết. Theo tôi, công tác này phải được thực hiện ngay từ cơ sở. Đối với cấp phường thì vai trò đảng viên, sự gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, chịu trách nhiệm trước tập thể, trước nhân dân của 3 đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND và Trưởng CAP phải được nâng cao một bước. Trên thực tế, ở địa phương nào, nếu 3 vị trí này thực sự đoàn kết, phát huy được hiệu quả công việc của mình thì ở đó các mặt công tác tại địa phương đều trôi chảy, người dân tin tưởng vào cơ quan Đảng, chính quyền cơ sở, yên tâm làm ăn. Các vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, khiếu nại, tố cáo nếu có tại cơ sở mà được cơ quan Đảng, chính quyền và công an tiếp nhận, giải quyết trên cơ sở pháp luật, thấu tình đạt lý thì chắc chắn sẽ không để vụ việc kéo dài, khiếu nại vượt cấp, người dân có thêm niềm tin và chấp hành tốt chủ trương chính sách tại địa phương. Tôi cho rằng, bộ 3 Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND và Trưởng CAP được ví như kiềng 3 chân thật vững chắc để đảm đương, giải quyết tốt công việc tại cơ sở, nếu một trong 3 vị trí trên có vấn đề, không phát huy hiệu quả công việc, còn biểu hiện né tránh, thiếu tinh thần trách nhiệm của một đảng viên, không coi việc của dân như việc của chính mình thì cần phải chỉnh đốn, thậm chí thay thế ngay!

Mặt khác, chúng ta tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân. Trong các lĩnh vực giải quyết các thủ tục về nhà đất, chính sách, GPMB… nếu thấy thủ tục nào còn rườm rà, không cần thiết thì kiên quyết loại bỏ. Thiết nghĩ, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải từ cán bộ cơ sở và liên quan mật thiết đến người dân nên việc gì dù nhỏ nhất cũng nên làm.

Hoàng Dương Lai (Chủ tịch UBND phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm)

Phải trẻ hóa đội ngũ Bí thư chi bộ

Từ thực tiễn nhiều năm làm công tác Đảng và quản lý tại một đơn vị kinh tế của thành phố, tôi thấy đội ngũ Bí thư chi bộ tại các cụm dân cư, tổ dân phố, phòng ban chức năng trực thuộc cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… trên địa bàn thành phố có tuổi đời còn quá cao. Các đồng chí đảm nhiệm vị trí này có uy tín và kinh nghiệm làm công tác Đảng tại cơ sở nhưng cũng dễ kéo theo nhiều  bất cập. Đó là do tuổi cao nên khả năng tiếp thu các kiến thức về đời sống xã hội còn hạn chế, khả năng lôi cuốn, hòa đồng, dìu dắt các đảng viên trẻ và quần chúng sẽ  không cao khi khoảng cách tuổi đời giữa họ quá lớn.

Mặt khác, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ Bí thư chi bộ hiện nay không thường xuyên dẫn đến nhận thức, tác phong làm việc của nhiều đồng chí Bí thư rơi vào lối mòn, thiếu tư duy sáng tạo nên đã vô hình trung tạo một tấm gương “mờ” về sự trì trệ, kém đổi mới trong con mắt của các đảng viên và quần chúng.

 Chính vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố cần mạnh dạn nhìn thẳng vào thực tế này, có đầu tư, chăm lo đến  những đảng viên đảm nhận vị trí Bí thư chi bộ, phải trẻ hóa  đội ngũ này và phải đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa cán bộ sao cho họ có đủ trình độ, uy tín, phẩm chất đạo đức để đẩy mạnh công tác Đảng từ cơ sở, góp phần đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, được cán bộ đảng viên và nhân dân tại cơ sở hưởng ứng và chấp hành.

Nguyễn Hoan Dư (Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Công ty Cổ phần công trình giao thông 2 Hà Nội)

Hành động phải quyết liệt

Đã đến lúc phải thay đổi thói quen tung hô, khen ngợi nhau, dễ dàng chấp nhận yếu kém mà nhìn thẳng vào khuyết điểm để đấu tranh. Nhân dân ta tin Đảng bởi Đảng đã hy sinh quên mình vì lợi ích dân tộc. Để người dân tiếp tục tin và đi theo Đảng, Đảng phải lắng nghe dân, tôn trọng dân, có giải pháp để giữ niềm tin của dân như công khai, minh bạch hơn các hoạt động của mình, phải công khai tài sản cán bộ để dân kiểm soát hành vi của Đảng viên. Có thể khẳng định rằng, từ khi lên cầm quyền đến khi lãnh đạo kháng chiến, xây dựng đất nước, Đảng chưa bao giờ giấu giếm khuyết điểm. Hội nghị lần thứ 4 BCHTW Đảng (NQ 4) vừa qua tiếp tục nhấn mạnh “chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, chạy theo danh lợi” ở một bộ phận cán bộ đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, kể cả một số cán bộ cao cấp vẫn đang diễn ra. Chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ nên đòi hỏi phải được tiến hành kiên trì, từ hai phía. Bên cạnh sự giám sát của Đảng và Nhà nước thì mỗi cá nhân phải tự đánh giá, hoàn thiện bản thân, và khi hành lang pháp lý đã hoàn thiện thì phải siết chặt kỷ luật, không loại trừ đảng viên nào.

Đáng buồn là hiện nay, việc giáo dục lý tưởng cộng sản đối với các tầng lớp nhân dân chưa đến nơi đến chốn, thậm chí né tránh. Dù cấp bách, song điều này cần được tiến hành thận trọng, từng bước vững chắc, không được nóng vội nhưng cũng không thể chậm trễ. Một trong những việc có hiệu quả cao là tính đi đầu làm gương của đảng viên, cán bộ cao cấp. Đảng viên đi trước làng nước theo sau, lãnh đạo phải gương mẫu trước những cám dỗ về vật chất, người cán bộ phải không ngừng tự rèn luyện mình. Để nhận được những ý kiến tâm huyết thực sự của nhân dân, chúng ta phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ngay tại cơ sở.

Bà Phan Thị Thanh - Đảng viên lão thành (Trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội)

Đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng

Thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, nghị quyết và các quyết định phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc “vấn nạn” này thì phải giải quyết được công tác tổ chức cán bộ. Thực tế hiện nay cho thấy, trông chờ vào sự gương mẫu, tự giác của người đứng đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng là thiếu thực tế bởi từ trước đến nay, hầu hết các vụ tham nhũng được phát hiện là do nhân dân và báo chí, công an, mà hầu như chưa có người đứng đầu nào phát hiện và xử lý tham nhũng ở cơ quan, đơn vị mình. Thậm chí, ở những nơi xảy ra tham nhũng, người tham nhũng thường là người chủ trì, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Họ có quyền lực nên quần chúng dù biết cũng không dám nói, sợ bị trù dập. Do chúng ta chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhất là đối với hoạt động tài chính của người đứng đầu, nên cấp ủy, chi bộ thường bị đặt vào tình huống “đã rồi”; hoặc cũng có người muốn đấu tranh nhưng do thiếu chứng cứ, không có thông tin chính xác về sự việc. Mặt khác, chúng ta chưa có cơ chế cụ thể để bảo vệ người chống tham nhũng. Do đó, nếu đảng viên nào đấu tranh sẽ bị trù úm, cô lập, có thể còn bị thuyên chuyển công tác, thậm chí bị kỷ luật. Vì thế mới dẫn đến tình trạng nhiều nơi quần chúng biết rõ tiêu cực, rất bất bình nhưng họ phải né tránh, im lặng, không dám công khai đấu tranh. Khi sự việc xảy ra nhiều thủ trưởng đơn vị còn biểu hiện dĩ hòa vi quý, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình đối với người đứng đầu chưa cao nên đã không phát huy vai trò trách nhiệm cũng như sự gương mẫu của bản thân trong cuộc chiến chống tham nhũng. Như vậy, cùng với việc tiến hành các biện pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong “cuộc chiến” chống tham nhũng, cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng về tinh thần đấu tranh và phê bình trong Đảng. Bên cạnh đó, quy chế dân chủ ở cơ sở, mở rộng dân chủ cho quần chúng đóng góp xây dựng Đảng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kiên quyết các vụ việc tham nhũng, tăng cường chế độ chịu trách nhiệm của cán bộ chủ trì cấp trên khi cấp dưới thuộc quyền có hành vi tham nhũng là rất cần thiết.

Nguyễn Khánh Hoà (Đảng viên trẻ phường Ngọc Lâm - quận Long Biên)