Đang có 4 dịch bệnh lưu hành cùng lúc, bệnh nhân cúm tăng nhưng chưa bất thường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngoài Covid-19 thì hiện có 3 dịch bệnh khác đang lưu hành, tăng cao số ca mắc ở nhiều địa phương là sốt xuất huyết, tay chân miệng và cúm…
Bệnh nhân mắc cúm A điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội)
Bệnh nhân mắc cúm A điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội)

Tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh chiều 21-7, do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì, đại diện Bộ Y tế thông tin: hiện có 4 dịch bệnh đang lưu hành tại Việt Nam là Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng và cúm. Trong đó, các ca cúm có xu hướng tăng tại miền Bắc thời gian gần đây.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số mắc cúm hiện không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Hiện nay lưu hành chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B. Đây là những chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả.

Đáng chú ý là dù số mắc cúm đang tăng nhanh nhưng đến nay, chúng ta chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8.

Về diễn biến cụ thể, tại Hà Nội, trong tháng 6 vừa qua ghi nhận đến gần 900 ca mắc cúm, tăng tới 60% so với tháng trước đó. Số mắc tiếp tục tăng nhanh hơn ở nửa đầu tháng 7, nhưng chưa ghi nhận chủng có độc lực cao, ít ca có triệu chứng nặng, không có tử vong.

TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng khẳng định, một năm ghi nhận 600.000 đến 1 triệu ca mắc cúm không phải là tăng đột biến. Số mắc cúm ở Hà Nội hiện nay tăng, nhưng chưa nằm ngoài kiểm soát của ngành Y tế.

Về nguyên nhân số mắc cúm tăng, TS Tâm lý giải, trong 2 năm dịch Covid-19 phức tạp, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn, nên số ca cúm ít. Còn hiện nay, người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng. Vì vậy, số ca mắc có xu hướng tăng.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị tăng cường giám sát, đặc biệt là giám sát trọng điểm về bệnh cúm, để phát hiện sớm các trường hợp mắc, ổ dịch cúm mùa; đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng, bệnh viện để kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồn khám sàng lọc...

Bà Hương nhấn mạnh, bất kỳ chủng cúm nào cũng nguy hiểm vì đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi. Vì thế, khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho… người dân không nên chủ quan. Nếu có các triệu chứng nặng, nên vào viện để được khám, tư vấn điều trị.