Dân vẫn “nặng gánh” viện phí

ANTĐ - Nếu như năm 1993 cả nước mới chỉ có 5,6% dân số tham gia BHYT thì đến năm 2011 đã tăng lên gần 64% dân số, với 57 triệu người tham gia. Tuy vậy, bệnh nhân vẫn phải tự chi trả gần 50% tổng chi phí cho y tế. Con số này cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Nhiều người bệnh chọn khám dịch vụ sau khi các bệnh viện tăng viện phí

Giảm bớt tiền chi trả cho người bệnh

Từ 1-8 vừa qua, hầu hết các BV tuyến trung ương cũng như BV của hơn 30 tỉnh/thành trên cả nước đã chính thức áp dụng khung giá viện phí mới với khoảng hơn 400 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, khung giá viện phí mới tác động mạnh đến nhóm đối tượng khám chữa bệnh tự nguyện, còn với người có thẻ BHYT thì quyền lợi không bị ảnh hưởng nhiều bởi chủ trương tăng viện phí lần này nhằm giúp kích thích người dân tham gia BHYT. Hiện nay, do tỷ lệ tham gia BHYT trong dân số chưa cao nên người dân nước ta vẫn phải tự chi trả khoảng 50% tổng chi phí cho y tế.

Vì vậy, Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2011-2020 đề ra mục tiêu mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 75% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 là trên 90%. Cùng đó sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, từng bước đổi mới cơ chế tài chính, phấn đấu đến năm 2015 giảm chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40%. 

Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ khả thi bởi ngoài những đối tượng được hỗ trợ toàn phần hoặc bắt buộc tham gia BHYT, hiện còn đến 74% đối tượng tự nguyện chưa tham gia, trong đó đối tượng cận nghèo chỉ đạt 25,5% và  ngay cả khi đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ đến 70% phí tham gia BHYT thì họ vẫn không mấy “mặn mà”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, có một thực trạng là hiện nay nhận thức của nhiều người dân về BHYT còn rất hạn chế, không biết mua BHYT ở đâu, người cận nghèo cũng không biết họ được hỗ trợ 50% hay 70% khi tham gia mua BHYT. Thậm chí người bệnh có thẻ BHYT rồi mà không đi lấy, đi khám chữa bệnh cũng không biết sử dụng thẻ BHYT như thế nào cho đúng quy định để được đảm bảo quyền lợi. 

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng BHYT - Bộ Y tế cũng cho rằng, song song với việc ưu tiên tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT, chúng ta cần có giải pháp bao phủ các dịch vụ y tế và chi phí y tế. Hiện nay, độ bao phủ về dịch vụ y tế tương đối tốt nhưng sắp tới Bộ sẽ rà soát lại các danh mục thuốc BHYT để phù hợp với khả năng chi trả của quỹ và đảm bảo quyền lợi của người dân, phác đồ điều trị để người dân ít phải bỏ tiền túi ra khi điều trị… 

Cân nhắc mức phí tham gia BHYT

Trong những ngày qua, ngoài nghi ngại quyền lợi của người bệnh bị ảnh hưởng khi áp dụng giá viện phí mới thì một vấn đề rất đáng quan tâm nữa cũng đang được đặt ra là việc tăng hay không tăng mức phí tham gia BHYT. Bởi theo tính toán của cơ quan BHXH Việt Nam, với giá dịch vụ y tế tăng lên như hiện nay thì chi phí khám bệnh tăng khoảng 26% so với trước, mức chi của quỹ BHYT cũng tăng thêm từ 6.000 - 8.000 tỷ đồng/năm. Cơ quan BHXH khẳng định, trước mắt trong năm nay, quỹ BHYT vẫn có thể chi trả được nhưng sang năm 2013, nếu không nâng phí tham gia BHYT thì rất khó cân đối thu chi. 

Để giải quyết vấn đề này, tại hội thảo về đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2020 vừa diễn ra ngày 2-8, cả phía Bộ Y tế lẫn BHXH Việt Nam đã thống nhất đưa ra 2 phương án về mức đóng BHYT. Phương án 1, giữ nguyên mức đóng như hiện nay là 4,5% mức lương tối thiểu và có tăng theo lộ trình lương tối thiểu của Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ. Theo phương án này, số tiền từ ngân sách nhà nước để đóng (toàn bộ mức đóng) và hỗ trợ một phần mức đóng cho các đối tượng dao động trong khoảng 37,3%-41,4% tổng số thu BHYT. Bình quân mỗi năm ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng phải tăng thêm khoảng 6.000 tỷ đồng, dự kiến là 107.529 tỷ đồng trong 4 năm từ 2012-2015. 

Phương án 2 là tăng mức đóng BHYT lên 5% lương tối thiểu và tăng theo lộ trình lương tối thiểu của bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ. Nếu áp dụng theo phương án này, bắt đầu từ năm 2013, mức đóng BHYT bằng 5% mức tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp BHXH hoặc mức lương tối thiểu, riêng HSSV và thân nhân người lao động đóng 3,3% mức lương tối thiểu. Lương tối thiểu năm 2012 là 1.050.000 đồng, từ năm 2013-2015 mỗi năm tăng 30% và nông dân có mức lương hưu mỗi năm tăng 15%. 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để BHYT thực sự có sức hút với người dân thì nên xây dựng nhiều gói BHYT, với nhiều mức đóng khác nhau để người dân lựa chọn, thậm chí cho phép cả doanh nghiệp tư nhân tham gia kinh doanh BHYT.