Đàn ông Việt đang “tụt hậu”

ANTĐ - Phụ nữ đang được cởi bỏ nhiều “ách” để vươn lên, sánh ngang với đàn ông trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về giới đã nhận định, khi phụ nữ vươn lên, thì đàn ông lại dậm chân tại chỗ hoặc bước thụt lùi. Do đó, khoảng cách về giới vẫn chưa kéo gần lại, thậm chí xa cách hơn về quan niệm và lối sống. 
Đàn ông Việt đang “tụt hậu” ảnh 1
Đàn ông nên biết cách mang lại yêu thương cho vợ


Khư khư “giữ bánh”

Anh Trần Chung (Đống Đa) đi du học ở nước Nga từ hồi 19 tuổi, ở lại bên đó làm ăn khá lâu, sau 10 năm mới về nước. Vì thế, anh rất tân tiến, hiện đại. Anh chỉ thích những cô gái hiểu biết, có trình độ, thích ăn diện, biết nhảy đầm, gợi cảm và ghét những cô gái ngây ngây, thơ thơ. Vợ anh hội đủ tiêu chuẩn mà anh yêu cầu, nhưng kèm thêm vài điều kiện cần như: đảm đang, tháo vát, nấu ăn ngon, chăm con khéo. Anh Chung tuyên bố với bạn bè: “Vợ mà không biết nấu ăn, dọn nhà thì cưới về làm gì”. Cứ đi làm về, anh bám chốt ở các quán nhậu đến 7-8h tối mới về, tắm táp, quẳng quần áo cho vợ giặt, ăn bát cơm, rồi nằm trên ghế xem ti vi, gọi vợ pha cho cốc nước mát. Việc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc hai con đều phó mặc cho vợ. Cả tuần 5 ngày như vậy, còn hai ngày cuối tuần thì ngủ nướng hoặc đi café chém gió với bạn. Anh Chung cho rằng mình có thể sẵn sàng đi chợ, đón con “giúp” vợ nhưng chỉ là thi thoảng. Còn đó vẫn là công việc của vụn vặt, đàn bà. Nếu chồng mà làm việc nhà thì vợ sẽ nhờn, cưỡi lên đầu lên cổ, ỷ lại, lười nhác, con sẽ không kính trọng, thiên hạ sẽ coi khinh. “Bình đẳng giới là điều không thể vì chẳng đàn ông nào chịu nhả miếng bánh ngon (được đi chơi, được lười biếng) ra cả” – anh Chung gật gù với bạn. 

Chị Nguyễn Thị Minh (Từ Liêm) cũng thấy mệt mỏi khi chăm chồng. Hai vợ chồng cùng đi làm, thậm chí chị kiếm tiền nhiều hơn chồng nhưng về đến nhà là chị tất bật với công việc nội trợ, tắm giặt cho con, dạy con lớn học, chơi với con bé. Còn chồng chị đủng đỉnh đi chơi với bạn bè, có về sớm cũng lên phòng chơi game, đến bữa thì ăn xong xuống ăn. Vợ còn mải xới cơm cho chồng, gỡ thịt cho con thì chồng đã ăn xong 2-3 bát rồi  lại leo lên gác, mặc vợ ngồi ăn một mình rồi lại tần mần dọn dẹp. Đến 10h mới xong việc, lê tấm thân lên giường lại nhớ áo sơ mi của chồng chưa là. Đến lúc xong thì chị mệt phờ, lưng muốn gãy, nhưng vừa đặt mình xuống giường thì chồng lại sấn sổ lao vào đòi “tình tang”. Khi chị từ chối thì chồng giận dỗi, nói lẫy “có thằng nào rồi nên chán chồng”.

Khi chị ngỏ ý chồng giúp đỡ việc nhà hoặc chỉ cần về sớm dạy con học thì anh giãy đành đạch: “Nam giới chí lớn, phải đi quan hệ mới thăng tiến được, mấy việc lặt vặt anh không làm”. Công việc càng bận rộn, chị Minh không thể chăm chồng được như trước thì anh lại xoay sang trách móc chị: “Có mỗi việc gia đình mà không chu tất” rồi “thay đổi tính cách, muốn rũ chồng ra để sướng thân”. Chị Minh có giải thích thế nào, chồng vẫn khăng khăng cho rằng mình đúng, vợ sai. “Anh ta không nghĩ cho vợ mà chỉ khăng khăng bảo vệ quyền lợi của mình thôi. Vợ chồng mà nhiều lúc tôi thấy như hai kẻ mua bán, mặc cả hơn thiệt vậy” – chị Minh bực bội. 

Nhà văn Trang Hạ nhận định: “Chồng chúa vợ tôi” là một bi kịch mà ông chồng có thể thấy sướng, nhưng người ngoài nhìn vào chỉ thấy ông ấy cũng chỉ là một nạn nhân. Trong gia đình mà người vợ phải hy sinh vì chồng con, thì dù chồng con có tự cho là mình sướng, nhưng chẳng bao giờ gia đình đó hạnh phúc. Bên cạnh người vợ đảm đang là một ông chồng ăn bám. Cho nên, nhìn từ nhiều chiều, đàn ông mà không biết cách mang lại yêu thương cho vợ, thì chỉ có mất!”.

Hạnh phúc ảo

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (nguyên TBT báo Phụ nữ Thủ đô) cho biết, bà từng chia sẻ với khá nhiều phụ nữ mệt mỏi vì phát hiện ra chồng mình là người chậm tiến, hủ lậu. Khi vợ tiến lên, tiếp cận với nhiều quan niệm mới thì chồng vẫn khăng khăng như “đười ươi giữ ống” khiến cho hai vợ chồng ngày càng xa cách nhau. Bà Túy cho biết, gần đây, có người phụ nữ đã đến chỗ bà tâm sự vì phải dằn vặt lựa chọn giữa chồng và người ấy. Cô cho biết, suốt 7 năm sau khi cưới, cô bị giam lỏng trong nhà, như con búp bê bày trong tủ kính, ngày ngày ngồi chờ chồng đi làm về trong trạng thái say khướt. Lúc nào có nhu cầu lại đè cô ra, hùng hục cho xong chuyện, chẳng mấy khi hỏi thăm, trò chuyện với vợ. Đến khi con lớn, cô nhất quyết xin đi làm và gặp một chuyên gia người Thụy Điển. Ông ấy biết cô có chồng nên chỉ âm thầm bên cạnh giúp đỡ cô trong công việc. Chỉ cần cô ho đã mua kẹo cho cô ngậm, thấy trời lạnh thì tặng cô đôi găng tay. Ông còn vì cô mà tập thể dục cho thân hình mạnh khỏe, học tiếng Việt, tập nấu đồ ăn Việt… 

Tình cảm đó khiến cô nhận ra rằng, cô cần một người bạn đời tôn trọng và yêu thương, được chia sẻ vui buồn, là người đồng hành, nắm tay cô đi đến hết cuộc đời. Còn với chồng cô, cô chỉ là người phụ thuộc về kinh tế, tầm cửi về tình cảm, tệ hơn chỉ là nô lệ tình dục mà thôi. Cô rất muốn chia tay chồng để đến với người ấy nhưng bố mẹ cô đã phản đối, cho rằng, chồng cô như thế là “trên cả tuyệt vời vì đã nuôi vợ ăn sung mặc sướng”, rằng cô “sướng quá hóa rồ”. Họ còn dọa sẽ từ cô nếu cô bỏ chồng để theo thằng “cha vơ chú váo” nào đó… Cô rất đau khổ vì không ai hiểu được nỗi niềm của mình. 

“Phụ nữ ngày càng có điều kiện để học hành, có tri thức, thông minh, thành đạt. Họ không chấp nhận cuộc sống như búp bê, như cây cảnh trong nhà, cũng không chịu nổi người chồng gia trưởng, lười biếng, vô trách nhiệm, suốt ngày rượu chè, bài bạc. Họ cũng chẳng thích người chồng an phận, thiếu ý chí tiến thủ, cạn kiệt tâm hồn, nghèo nàn về tình cảm. Nếu người chồng không tiến lên cùng vợ thì sẽ đến một ngày bị tụt hậu và xa cách nhau” - bà Túy khẳng định. Theo chuyên gia này, lý do không phải vì chị em tiến quá nhanh mà vì anh em tự bước chậm, thậm chí “cố thủ” trong thành lũy gia trưởng của mình. 

“Phụ nữ có 24 tiếng như đàn ông, sức lực, cơ bắp thì không bằng. Họ cũng dành thời gian cho việc sinh đẻ, nuôi con nên “chậm chân” hơn đàn ông vài ba, thậm chí 5-7 năm. Họ phải gồng mình lên rất nhiều mới bắt kịp đàn ông. Nếu họ vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà có nghĩa họ đang đơn độc giữ gìn gia đình” - nhà văn Trang Hạ.