Đàn bà ngoại tình nhận quả đắng vì quên đi quá khứ

ANTĐ - “Tôi chán ngán với cuộc sống hiện tại. Tôi chán ghét nhìn thấy anh mỗi ngày”. Kèm theo tiếng la lối om xòm là tiếng ly cốc rơi loảng xoảng trong phòng.

Đôi mắt Phương hằn lên ánh nhìn dữ tợn như thể sẵn sàng lao tới Triệu và cấu xé con mồi trong cơn đói. Triệu lặng lẽ nhặt những mảnh vỡ lăn lóc trên sàn, mải miết và đầy cam chịu, giống như mọi lần.

Bóng Triệu vừa bước ra khỏi phòng, Phương chạy tới cánh cửa đóng sầm nó ngay trước mặt. Chị hằn học chửi thầm trong bụng: “Tại sao đời mình lại dính vào người đàn ông vô dụng này”, nước mắt tức tưởi lăn dài. Ở ngoài vườn, Triệu cũng chẳng vui vẻ gì. Anh châm một điếu thuốc, lặng lẽ hút, những nếp nhăn xô lại, hằn in sự mệt mỏi, chán chường không giấu giếm.

Triệu không nhớ chính xác tình trạng vợ chồng mình cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt này xuất hiện từ khi nào. Đôi khi, anh ngỡ ngàng trước cách hành xử và lời ăn tiếng nói của vợ. Hình như từ ngày có tiền, có quyền, có chức... vợ anh đã đổi thay.

15 năm trước, khi ấy Triệu và Phương mới chỉ là những cô cậu sinh viên mới bước chân ra khỏi cánh cổng trường đại học, còn nuôi bao nhiêu dự định, hoài bão và khao khát được khẳng định mình. Cùng là dân tỉnh lẻ bám trụ ở mảnh đất kinh kì náo nhiệt, cuộc sống nghèo bó buộc hai đứa, song bù lại, chưa bao giờ, nụ cười tắt trên đôi môi của Phương và Triệu. Những buổi tan giờ làm, Triệu cọc cạch chiếc xe đạp cà tàng đạp ngược từ Hoàng Mai lên tận Cầu Giấy đón Phương, rồi lại từ đó trở về khu chân cầu Thăng Long. Mồ hôi mướt mải, mái tóc bết dính, nhưng những khoảnh khắc ấy chẳng thể nào quên. Phương của ngày ấy hồn nhiên, trong sáng lắm. Cô sinh viên mới ra trường bỡ ngỡ trước trường đời, từng khóc tấm tức trước mặt Triệu chỉ vì xích mích nhỏ với đồng nghiệp ở công ty, vì môi trường công sở cạnh tranh và nhiều bon chen, kèn cựa. Lúc ấy, gục đầu vào vai Triệu, Phương tìm được bình yên.

Những ngày tháng nghèo khó nhất chậm rãi trôi đi. Triệu vẫn là anh lính hiền lành, biết lắng nghe và chia sẻ. Còn Phương, sau vài lần chuyển công ty, cô cũng đã tìm được một nơi chốn ổn định và có nhiều điều kiện phát triển năng lực của chính mình. Một công ty liên doanh với nước ngoài về thiết kế nội thất với mức lương hậu hĩnh. Cả hai đều đã thu xếp được công việc thuận lợi, đời sống dần ổn định, họ quyết định về chung sống với nhau. Nhịp sống bình lặng trôi qua nếu như không phải ngày hôm ấy, trên đường trở về nhà Triệu bị tai nạn giao thông và dẫn tới suy giảm một phần sức khỏe. Anh về theo chế độ nghỉ mất sức, nhận vài đồng lương ít ỏi mỗi tháng.

Cuộc sống thị thành phải lo liệu, chi tiêu nhiều khoản, trong khi hai con đều đã đến tuổi đi học. Muốn các con được học tập trong môi trường hoàn hảo nhất, Phương cho cả hai anh em chúng theo học trường Quốc tế, đồng nghĩa với việc chi phí cho việc học ở đó vô cùng đắt đỏ. Sức khỏe của Triệu suy giảm, anh chỉ có thể làm thêm vài việc lặt vặt quanh quẩn ở nhà, còn hầu hết, việc kiếm tiền dồn cả lên đôi vai của vợ. Thương vợ vất vả, phải gánh vác lo toan đủ thứ trong nhà, Triệu dành cho chị sự quan tâm đặc biệt. Thấy bóng vợ ngoài cổng, Triệu vội vã chạy ra dắt xe, anh dành cho Phương những bữa cơm ngon nóng sốt, những cốc sữa nóng mỗi đêm làm việc muộn... Anh hi vọng có thể phần nào bù đắp những thiệt thòi mà Phương đang gánh vác.

Gần đây, Phương hay về nhà muộn hơn, thậm chí có hôm, chị đi qua đêm không về nhà ngủ. Ngóng vợ cả tối, nhấp nhổm hết đứng lại ngồi, cuối cùng, Triệu nhận được tin nhắn lúc 11 giờ đêm báo: “Em không về nhà. Tối nay ở lại công ty làm thêm việc”, anh xót xa thương vợ lặn lội thân cò kiếm tiền nuôi sống cả gia đình. Cả đêm anh chập chờn không ngủ, trong đầu chờn vờn hàng trăm câu hỏi: “Cô ấy liệu có ngủ được không? Ở công ty kiếm đâu ra cái chăn ấm”, rồi lại tự trách mình trở thành gã đàn ông vô dụng, không cáng đáng được gia đình. Có thương vợ bao nhiêu, Triệu cũng chỉ biết cố gắng vun vén gia đình tươm tất, dạy bảo các con ngoan ngoãn, biết thương và cảm thông với vất vả của mẹ.

Phương dạo này ăn mặc đỏm dáng hơn hẳn. Chị rực rỡ, đằm thắm như một bông hoa ngát hương. Đặc biệt, Phương biết tới một loạt những hãng mĩ phẩm hàng đầu thế giới, những hãng nước hoa sang trọng. Những bộ cánh thời trang diêm dúa... tỉ lệ thuận với thời gian chị vắng mặt ở nhà. Phương trả lời qua quýt rằng: “Em đang phải tiếp đón một đoàn khách công tác dài ngày tại Việt Nam và đang trong thời gian kí kết hợp đồng làm ăn với công ty”, ngoài tin vợ, Triệu không thể làm gì khác.

Đôi khi nhìn vợ, Triệu ngỡ ngàng tự hỏi, đâu là Phương của ngày xưa. Người đàn bà trước mặt chuốt mascara làm mi dày cong vút, má dặm phấn hồng kĩ càng, mái tóc uốn xoăn bồng bềnh sóng sánh như sóng biển, vận trên người những chiếc váy hàng hiệu đắt tiền, lướt qua đã thấy hương nước hoa nồng nàn, đầy gợi cảm. Cùng đó là những bữa cơm tối chỉ có ba bố con, những đêm trắng chỉ có một mình Triệu trên chiếc giường trống trải. Triệu mơ hồ cảm thấy sự bất thường đang ập tới gia đình mình.

Đêm nay, Phương lại nhắn tin ở lại công ty giải quyết nốt đống giấy tờ, công việc dồn lại. Triệu phấp phỏng băn khoăn, chờn vờn đứng ngồi không yên. Đúng ngày gió mùa về, anh nhớ sáng nay bước chân ra cổng, Phương còn mặc phong phanh lắm. Sợ vợ không đủ ấm, Triệu lập cập dắt chiếc xe máy, vội vã mang tới cho vợ chiếc áo ấm. Kim đồng hồ đang nhích dần tới con số 12.

Bảo vệ công ty một mực quả quyết hôm nay không có ai ở lại làm đêm. Anh ta vừa đi kiểm tra một vòng và tất cả các phòng đều đã tắt đèn, khóa cửa cẩn thận. Triệu khẳng định anh không thể nhầm lẫn, bởi vợ anh nói rất rõ rằng chị đang làm việc ở công ty. Lời trêu chọc của tay bảo vệ: “Hay lại làm ở một chỗ kín nào đó” khiến Triệu vừa bực bội, lại vừa bừng lên những lo lắng khó tả. Nếu như ngày xưa, khi sức khỏe còn sung mãn, chắc chắn Triệu sẽ cho tay bảo vệ kia nếm mùi đòn của anh lính công binh khẳng khái. Cố gắng xua tan những ngờ vực trong lòng, Triệu trở về trong mệt mỏi.

Anh vờ hỏi Phương về công việc đêm trước. Chị kể lại vanh vách và chi tiết từng việc, kèm theo thái độ không mấy vui vẻ khi được chồng quan tâm kĩ càng. Anh biết vợ mình đang nói dối.

Công việc tiếp tục cuốn Phương ngày càng xa gia đình. Cô vẫn thường về muộn hàng đêm và thi thoảng lại vắng mặt bất thường. Cho tới một ngày, Triệu bắt gặp vợ và tay trưởng phòng công ty Phương đang ái ân với nhau ngay tại phòng làm việc vào lúc nửa đêm, chiếc áo khoác anh mang tới cho vợ rơi tuột xuống nền đất. Toàn thân Triệu bất động, anh lao tới định quại cho tên đốn mạt kia một trận thì Phương lao vào giữa ngăn cản. Điều đau xót nhất là Phương bênh gã đàn ông tồi tệ kia.

Triệu chết đứng như Từ Hải. Anh lầm lũi trở về nhà. Lầm lũi đốt cả bao thuốc lá suốt đêm hôm ấy. Và hình như, hôm sau, người ta thấy Triệu già đi bội phần không rõ nguyên do.

Trái với vị trí của một kẻ có lỗi, Phương vẫn dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra. Phương tiếp tục đi sớm về muộn, tiếp tục vắng mặt trong những bữa cơm tối, tiếp tục gắt gỏng mỗi khi nhận được lời hỏi han của chồng. Phương gào lên thảm thiết: “Bởi anh là một kẻ vô dụng nên tôi mới phải như thế. Những thứ anh không thể chu cấp cho tôi thì anh ấy có thể lo liệu cho tôi”. Tiếng la lối của vợ như xát muối vào trái tim đang vỡ vụn của người chồng đáng thương.

Anh đã lý giải được sự trưng diện của Phương, lý giải được sự thay đổi của cô ấy, anh trách mình đã là gánh nặng cho vợ bấy lâu nay. Phương của anh đã thay đổi, Phương gạt anh ra ngoài lề cuộc sống và sự sẻ chia giống như cách Phương gạt tất cả hồi ức về những năm tháng khốn khó ra khỏi cuộc đời. Nước mắt anh lăn dài trên má. Đắng chát.

Triệu quyết định viết đơn ly hôn, dù trong thâm tâm, anh không hề mong chờ điều ấy. Anh nhận ra mình quá yêu Phương, nhưng những gì xảy ra giống như một vết đen không thể tẩy xóa. Và quan trọng hơn, Phương không còn yêu thương và trân trọng anh như ngày xưa cũ. Biết đâu ấy, anh đang trở thành rào cản trong cuộc sống mới mẻ và đầy sắc màu của Phương.

Phương trở về nhà trong tâm trạng mệt mỏi và chán chường. Ngôi nhà trống hoác, lạnh lẽo, hai đứa con chưa đi học về, Triệu đã chuyển tới một ngôi nhà khác. Từng câu nói sắc như dao của gã người tình: “Chúng ta đến với nhau chỉ là vá víu. Yêu đương gì đâu mà đi tới hôn nhân” cứa vào lòng chị nhức buốt. Sự tin tưởng đáp trả bằng lọc lừa. Những giá trị bình dị không biết trân trọng, nâng niu. Phương bừng tỉnh nhận thấy sự trớ trêu và ngu ngốc của bản thân, nhưng đã quá muộn. Lật giở lại từng trang album ảnh gia đình, nước mắt Phương đua nhau tuôn xuống. Đêm ấy, chị đã lao ra khỏi nhà, gõ cửa tìm gặp một người quen thuộc và cầu xin anh tha thứ...