Đâm chết vợ vì thỏa thuận cùng tự tử có phạm tội giết người?

ANTĐ - “Nếu anh mà chết, một mình em không nuôi nổi 2 con, anh chết thì em cũng chết theo”. 

Nội dung vụ án

Chị H.T.S, SN 1987, trú tại tỉnh Hà Giang. Năm 2004, chị S kết hôn với anh M (SN 1986, cùng địa phương), sinh được 2 con. Cũng như các đôi vợ chồng ở bản vùng cao, vợ chồng họ chăm chỉ làm ruộng, làm nương đắp đổi qua ngày. Hai vợ chồng rất thương yêu nhau, tuy nhiên anh M thường xuyên bị đau ốm, sức trai mà M suy sụp trông như một ông già. Chị S đã sắm lễ đi sang xã bên, tìm đến nhà thầy mo để xem bói. Cũng ngày hôm đó, M ở nhà do đau và tức ngực nên đã bảo bố đẻ đi mời thầy về cúng ma. Sau khi cúng được 30 phút, bệnh tình của M không đỡ mà càng đau dữ dội. Chị S sau khi đi xem bói về, vào giường M nằm và hỏi: “Có đỡ không?”, M bảo “Không đỡ” và kể chuyện bố mời thầy cúng về nhà cúng nhưng không đỡ. Thấy vậy chị S ngồi bên cạnh khóc nức nở. M hỏi thì chị S bảo: “Thầy bói nói số anh xấu lắm, chắc không qua khỏi năm nay đâu”, sau đó chị S nằm xuống cạnh M. Nghe vợ nói, M liền tin và trăng trối lại: “Anh ốm đã lâu rồi, chết cũng được, em ở lại sống nuôi 2 con mình cho tốt”. Nhưng chị S không nghe: “Nếu anh mà chết, một mình em không nuôi nổi 2 con, anh chết thì em cũng chết theo”. Hai vợ chồng cùng viết cam kết tự nguyện chết, không oán trách ai. Sau đó, M lấy con dao nhọn để ở dưới gối đang nằm và đâm chị S. Do bị mất máu, trụy mạch, chị S tử vong ngay tại chỗ. Ngay sau khi đâm chết vợ, M muốn đâm vào bụng mình để tự tử, tuy nhiên vì sợ, anh ta không dám đâm sâu. Được cấp cứu kịp thời nên M không chết.

Vấn đề cần bàn là M có phạm tội giết người không?

Ý kiến bạn đọc 

Anh M không phạm tội giết người vì hai vợ chồng cùng đồng thuận tự tử 

Trong vụ việc này, cần xác định, anh M không có động cơ cá nhân trong việc dùng dao đâm, gây ra cái chết của chị S. Việc dùng dao đâm là thực hiện ý nguyện của chị S. Vả lại sau đó cũng để thực hiện ý nguyện, anh M đã dùng dao đâm mình, nhưng do điều kiện khách quan, bản tính con người không thể chủ động đâm chết mình được, hoặc do đau quá, anh M không thực hiện đựơc việc tự sát, anh M không chết là ngoài ý muốn của mình. Do vậy không thể kết tội anh M theo tội danh giết người. Mặt khác về mặt đạo đức, đây là đôi vợ chồng thương yêu nhau, có giấy xác nhận để lại, không nên coi anh M phạm tội giết người, treo cái án vô đạo đức, nỡ giết người thương yêu nhất lên đầu anh M. Theo tôi nên tha bổng anh M để anh về nhà nuôi con.

Nguyễn Thị Ca (Khu Nam Cường, TP Yên Bái)


Hành vi của anh M là hành vi giết người 

Theo các quy định pháp luật, người nào bằng hành vi của mình trực tiếp tác động vào cơ thể của nạn nhân, gây ra cái chết cho nạn nhân đều phạm tội giết người. Anh M đã dùng dao đâm chị S là trực tiếp gây ra cái chết của chị S. Mặc dù việc dùng dao đâm này được sự đồng thuận của chị S nhưng đó chỉ là tình tiết giảm nhẹ, không thể thay thế được tội danh. Anh M phải bị truy tố theo điều 93 Bộ Luật hình sự có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Cần phải nghiêm trị những hành vi kiểu này để tránh những trường hợp lạm dụng thuyết phục nhau tự tử để giết người. Đã quá nhiều vụ rủ nhau tự tử, nhưng khi một người chết thì người kia bỏ trốn hoặc tự thương chút ít rồi kêu người cứu. Không thể có sự coi thường tính mạng người khác như vậy. Trong trường hợp này, tôi chỉ suy nghĩ, có thể cả đôi vợ chồng này trình độ văn hóa thấp, nhận thức kém nên có những hành vi như không đưa chồng đi bệnh viện chữa bệnh mà để ở nhà cúng ma, xem bói để quyết định hành xử. Thêm nữa, hai vợ chồng có hai con nhỏ nên có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ. Về mặt đạo đức, lương tâm, anh M cũng đã tự treo cho mình một cái án tày trời, tự tay gây ra cái chết cho người vợ của mình rồi. Thiết nghĩ, vẫn nên truy tố tội Giết người theo điều 93 Bộ LHS nhưng cho hưởng án treo về nuôi con. 

Phạm Văn Mỹ (Phố Chợ, TP  Lào Cai)


Anh M phạm tội giết người trong trạng thái bị kích động mạnh 

Bối cảnh lúc anh M dùng dao đâm chị S là hai người đang bị kích động do tình trạng cùng quẫn, bệnh tật, khó khăn mà không giải quyết được. Lời gợi ý tự tử cũng như trong giấy cam kết để lại chứng tỏ chị S cũng có lỗi trong vụ việc này. Chính anh M cũng có hành vi tự sát bất thành sau đó. Luật hình sự Việt Nam từ trước đến nay đều xác định hành vi xâm phạm tính mạng con người là hành vi có tính nguy hiểm rất cao và quy định những khung hình phạt rất nghiêm khắc. Tuy vậy, các hành vi xâm phạm tới tính mạng con người cũng có mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Có những hành vi xâm phạm tính mạng con người có một số tình tiết làm giảm đi một cách đáng kể mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội, giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là một trong những trường hợp đó. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh khi tội phạm được thực hiện trong hoàn cảnh khả năng nhận thức và kiềm chế hành vi của người phạm tội bị hạn chế và chính nạn nhân cũng là người có lỗi. Tuy nhiên vì tội phạm đã xâm hại đến khách thể quan trọng được luật hình sự bảo vệ đó là tính mạng con người nên vẫn bị truy tố. Chiếu theo nhưng tiêu chí ấy, anh M cần bị truy tố theo điều 95 BLHS với tội danh: Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động. Tội này có thể bị phạt tù cao nhất tới 7 năm.


Nguyễn Bình Minh (Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)

Đây là hành vi giết người, không nói khác được

Không thể nói đây là hành vi giết người trong trạng thái bị kích động được. Rõ ràng anh M hoàn toàn tỉnh táo lúc dùng dao giết chị S, mà giết rất gọn, chị S chết ngay. Muốn biết trạng thái tinh thần của anh M, lúc anh M giết chị S phải căn cứ vào kết quả giám định về trạng thái tinh thần của bị cáo tại thời điểm thực hiện tội phạm. Quan điểm này chưa có tính khả thi vì trình độ y học của chúng ta hiện nay chưa cao nên kết quả giám định về trạng thái tinh thần không chính xác; hơn nữa trạng thái tinh thần của bị cáo tại thời điểm thực hiện tội phạm khác với trạng thái tinh thần tại thời điểm giám định. Hai là: Phải xem xét một cách toàn diện tính chất của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mối quan hệ giữa nạn nhân - người phạm tội, nhân thân người phạm tội, hoàn cảnh, thời điểm, sự việc xảy ra... Đây là quan điểm được áp dụng trên thực tế. Trên thực tế, chị S không hề gây một áp lực nào lên anh M cả, chị chỉ muốn chết nếu anh M chết và chị tin anh M sẽ chết, nhưng không phải như vậy. Vì vậy, truy tố anh M theo điều 93 Bộ luật Hình sự theo tội danh Giết người là đúng các quy định pháp luật. 

Lầu Văn Mã (Nông Cống, Thanh Hóa)


Bình luận của luật sư

Định tội danh là sự xác nhận về mặt pháp lý sự phù hợp (sự đồng nhất) giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện trong thực tế khách quan với các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm (CTTP) tương ứng được quy định trong BLHS. Hay nói cách khác, Định tội danh là việc xác định một hành vi cụ thể đã thực hiện thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu của CTTP của tội nào trong số các tội phạm đã được quy định trong BLHS.

Để xác định tội danh của anh M chúng ta cần xem xét các quy định pháp luật về Tội giết người theo điều 93 BLHS. Theo nội dung BLHS cũng như các hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, Tội giết người nhằm truy tố hành vi cố ý tước đoạt (bỏ) tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Khách thể của tội phạm xâm phạm đến quyền sống của con người. Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau: Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi tước bỏ tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Về hình thức của hành vi khách quan của tội giết người có thể được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động. Dạng hành động giết người mang tính chất phổ biến hơn và được thực hiện bằng hành vi dùng vũ lực như dùng súng, dao, gậy, thuốc độc, sức mạnh về thể chất để bắn chém, đầu độc, đấm đá, bóp cổ. Dạng không hành động giết người ví dụ như bác sĩ đang khi trực, có một ca cấp cứu, nhưng đã không cấp cứu nạn nhân làm nạn nhân chết. Hành vi khách quan trên phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả nạn nhân chết.

Soi vào trong vụ việc này, chúng ta thấy, anh M đã dùng dao đâm chị S chết ngay. Hành vi của anh M là quyết giết chết chị S hậu quả làm chị S chết. Hành vi này là hành vi giết người. Việc chị S thỏa thuận cùng chết không phải là căn cứ pháp luật để cho phép anh M được giết chị S. Vì vậy hành vi giết chị S là giết người trái pháp luật.

Bây giờ chúng ta xem xét anh M có giết người trong lúc tinh thần bị kích động không? Theo các hướng dẫn của TANDTC, hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động chỉ được tính nếu nạn nhân có hành vi vi phạm pháp luật, gây sức ép, hoặc đe dọa đến tính mạng của của người phạm tội. Trong trường hợp này, chị S không hề có hành vi đe dọa hoặc gây sức ép lên anh M buộc anh M phải giết chị S. 

Tất cả các tình tiết như chị S thỏa thuận cùng chết với anh M. không oán trách ai, anh M đau ốm nhiều ngày, thầy bói nói bậy bạ… không là căn cứ pháp luật bào chữa cho hành vi giết người của anh M mà chỉ là những tình tiết có thể tính để giảm nhẹ hình phạt.

Chính vì vậy, truy tố nanh M theo điều 93 Bộ Luật Hình sự theo tội danh Giết người là hợp lý. Với những tình tiết giảm nhẹ, anh M có thể không phải chịu mức án cao nhất.

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)