Đảm bảo nhu cầu hàng Tết

ANTĐ - Nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013, Sở Công Thương Hà Nội vừa hoàn thành kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng. Dự kiến, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô vào dịp Tết tăng 18-20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp bình ổn giá sẽ giữ ổn định thị trường dịp Tết

Sẽ cung ứng đủ hàng

Dự báo, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Quý Tỵ năm 2013 tăng 18-20% so với các tháng trong năm. Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ có thể tăng trên 20%, (ước khoảng 35.000 tỷ đồng). Sở Công Thương Hà Nội cho hay, với nhóm hàng lương thực, trước, trong và sau Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô đạt khoảng 65.000 tấn/tháng.

Nguồn cung cấp chủ yếu cho khu vực nội thành Hà Nội là từ các đại lý, mạng lưới của Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc và các đơn vị thành viên... và các hộ kinh doanh tại các chợ. Với mặt hàng thịt lợn, dự kiến tiêu dùng 12.000 tấn/tháng Tết, nguồn thịt lợn sản xuất trên địa bàn thành phố đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu của Hà Nội. Nếu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh gây thiếu hàng cục bộ, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ khai thác thêm ở các tỉnh lân cận và các tỉnh phía Nam.

Trong dịp Tết, do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong khi khả năng tự đáp ứng của thành phố có hạn nên một số mặt hàng thiết yếu đã được lên kế hoạch nhập khẩu. Ví dụ, thịt gia cầm cần khai thác 38% từ các tỉnh khác; thủy hải sản phải nhập hơn 80%; thực phẩm chế biến nhập từ 70-85%; rau củ quả nhập 45% nhu cầu… Ngoài các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng còn tập trung vào các mặt hàng truyền thống như: bánh mứt kẹo, nước giải khát, xăng dầu, trứng gà…

Nguồn hàng hiện được các công ty có uy tín như: Bánh mứt kẹo Hà Nội, Hải Hà, Tràng An, Tổng công ty Bia, rượu nước giải khát… chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Bên cạnh đó, một khối lượng hàng tương đối lớn cũng được tung ra thị trường từ các làng nghề truyền thống. Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với việc chuẩn bị nguồn hàng khá chu đáo thì người dân Thủ đô không lo thiếu hàng dịp Tết.

Cũng như những năm trước, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức hàng trăm chuyến hàng về nông thôn, chợ Tết, bán hàng về các khu công nghiệp... Trong đó, hầu hết là hàng Việt Nam có uy tín, chất lượng.

Khó tránh khỏi giá tăng

Mặc dù nguồn hàng tương đối dồi dào nhưng giá cả các mặt hàng khó tránh khỏi bị tăng lên do quy luật cung - cầu thị trường và do ảnh hưởng của các yếu tố ngoại cảnh. Các chuyên gia thương mại cho rằng, mặt hàng gạo đặc sản và gạo nếp ngon có thể tăng giá 1-3%. 

Theo Sở Công Thương Hà Nội, 10 tháng đầu năm nay, do dịch bệnh và chi phí chăn nuôi tăng cao, cộng với thông tin về chất tạo nạc ở gia súc đã khiến nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm. Vì vậy, so với cùng kỳ năm trước nguồn cung thịt lợn tại các trại chăn nuôi tập trung giảm mạnh từ 15 - 17%. Bởi vậy, dịp Tết sắp tới, giá thịt lợn có thể tăng từ 5 - 10%. Với lý do tương tự, nhóm hàng gia cầm, thủy hải sản dự kiến tăng giá thêm 10-15%. Các chuyên gia thương mại cho rằng miền Bắc bắt đầu bước vào mùa lạnh, rau củ sinh trưởng chậm trong khi nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng đột biến khiến giá rau xanh, củ quả có thể tăng từ 15-20% so với hiện tại.

Để giữ bình ổn thị trường, Sở Công Thương đã giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp được tạm ứng vốn trong chương trình bình ổn giá sử dụng số vốn này và vốn tự có dự trữ nguồn hàng phong phú, đầy đủ, không để thiếu hàng trong dịp Tết. Các chuyên gia cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 (tháng 2 Dương lịch năm 2013) sẽ tăng cao hơn so với các tháng trong năm. CPI cả năm 2012 của Hà Nội tăng 8 - 8,5% so với năm 2011.